* Phóng viên: Ông nhận định gì về việc cá mập tấn công người và việc câu được cá mập ở khu vực biển Quy Nhơn trong thời gian qua?
- PGS-TS Võ Sĩ Tuấn: Tôi chia sẻ sự quan tâm của người dân và báo chí về hiện tượng cá dữ tấn công người trong thời gian gần đây, kể cả việc Viện Hải dương học Nha Trang bắt được những con cá mập ở khu vực biển Quy Nhơn và lân cận.
Cá mập tấn công người là nỗi ám ảnh của cộng đồng. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng trong hàng trăm loài cá mập, chỉ có một số rất ít là chủ động tấn công người, tức là ăn thịt người; số còn lại cắn người là do ngẫu nhiên vì tưởng nhầm đó là mồi hoặc do bản năng tự vệ của cá.
Ở Việt Nam, nhiều vùng biển đã không còn cá mập. Đây cũng là tình trạng phổ biến trên thế giới. Chính vì vậy, việc bảo tồn cá mập đang là mục tiêu của nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức bảo tồn thiên nhiên, để loài cá mập không bị tuyệt chủng.
* Cá mập xuất hiện có được xem là thời cơ?
- Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta sử dụng cá mập như là một nguồn tài nguyên để phát triển du lịch biển. Vấn đề là làm sao vừa khai thác được cá mập cho phát triển du lịch vừa không nguy hiểm cho người.
Tôi muốn khẳng định rằng muốn khai thác cá mập để phát triển kinh tế - xã hội thì ta phải hiểu về nó nhưng quả thực ở Việt Nam từ trước đến nay, chưa có đề tài nào nghiên cứu về vấn đề này.
* Vậy, sắp tới, Viện Hải dương học Nha Trang có đề xuất gì?
- Từ năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Hải dương học Nha Trang đề tài xoay quanh việc khai thác và quản lý tốt cá mập để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm an toàn cho người dân.
Đến cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012, sẽ hoàn thành đề tài, để từ đó Viện Hải dương học Nha Trang tham mưu cho tỉnh Bình Định hình thành phương án hữu hiệu phòng ngừa cá mập tấn công người tắm biển, đồng thời khai thác cá mập để phát triển du lịch ở vịnh Quy Nhơn.
Tôi muốn nhắc lại, việc nghiên cứu về cá mập không chỉ để giải thích, ngăn ngừa mà làm sao sử dụng nó như một nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)