Trước đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến Tây Nguyên đều tìm tới làng voi Nhơn Hòa và không quên đặt cho mình một tour du lịch cưỡi voi. Một trong những người có công làm nên thương hiệu “Làng voi Nhơn Hòa” nổi tiếng cho Gia Lai và cả vùng Tây Nguyên ngày ấy là ông Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty Dịch vụ - Du lịch (DV-DL) tỉnh.
Năm 1993, khi các địa phương bắt đầu chú tâm đến việc tìm kiếm “đặc sản” du lịch thì Công ty DV-DL Gia Lai đã nhanh chóng đưa ra tour du lịch cưỡi voi vào khai thác phục vụ du khách. Tour du lịch cưỡi voi này xuất phát từ Plei Lao, qua cánh đồng Nhơn Hòa, đi sâu vào rừng già Ia Lốp rồi men theo sườn Đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ và kết thúc tại thác Ia Nhía. Các con voi ở Nhơn Hòa được công ty trưng dụng, kể cả nài, vào phục vụ du khách. Voi có việc làm, người tăng thu nhập. Thương hiệu “Làng voi Nhơn Hòa” có từ đấy.
Không ai phủ nhận “Làng voi Nhơn Hòa” đã góp phần vực dậy, nuôi sống ngành du lịch Gia Lai trong những ngày đầu khốn khó, trở thành thương hiệu nổi tiếng đối với nhiều công ty du lịch lữ hành, có địa chỉ trên một số trang web trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng. Mỗi năm, ngành du lịch Gia Lai đón vài chục ngàn lượt khách, hơn nửa trong số đó đều đi tour cưỡi voi Nhơn Hòa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hoạt động du lịch của Gia Lai bị đình trệ, tour đi voi Nhơn Hòa cũng bị hủy bỏ từ vài năm nay.
Thương hiệu “Làng voi Nhơn Hòa” dần biến mất. Chủ voi hết thu nhập, voi cũng trở thành gánh nặng bởi phải chăn dắt. Hiện nay, việc nhà, việc nương rẫy của người dân đã có các loại phương tiện cơ giới thay voi. Nhiều gia đình bắt đầu bán tống, bán tháo voi và đến nay thì Nhơn Hòa không còn con nào.
Song, thương hiệu “Làng voi Nhơn Hòa” đã có tiếng, nên Công ty DV-DL Gia Lai phải bỏ ra hơn 160 triệu đồng mua lại 3 con voi của người dân về nuôi, phục vụ một phần nhu cầu của khách tại thác Phú Cường - Chư Prông. Nhưng khách du lịch đến Gia Lai chỉ để mong được cưỡi voi đi xuyên rừng già khám phá thiên nhiên, mấy ai muốn cưỡi voi quẩn quanh nơi chân thác... Thế là 3 chú voi đành thất nghiệp và trở thành một gánh nặng đối với công ty.
Lo Tây Nguyên hết voi Già làng Nây Tơr ở Nhơn Hòa - Gia Lai dõi ánh mắt xa xăm về phía cánh rừng Ia Lốp, buồn rầu bảo: “Những người già ở đây, giờ gặp nhau thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện voi như để khuây khỏa nỗi nhớ một thành viên trong gia đình đã đi xa...”. Trầm ngâm khá lâu, già Nây Tơr đột ngột bảo tôi: “Voi không chỉ có công đối với mỗi gia đình, dòng tộc, buôn làng Tây Nguyên mà còn giúp chống giặc, làm kinh tế, có công đối với đất nước nữa đấy. Mai này, Tây Nguyên hết voi, cả nước hết voi là không được”. Tôi động viên ông yên tâm, bởi Buôn Đôn - Đắk Lắk vẫn còn voi, nơi khác cũng còn, tuy không nhiều. Thế nhưng già Nây Tơr, người gần suốt cuộc đời gắn bó với voi, vẫn không bớt lo lắng. Ông bảo vùng đất sống của voi ngày càng bị thu hẹp, không còn đồng cỏ, rừng rú, làm sao voi sinh sống được... |
Bình luận (0)