Việc chuyển giao, sáp nhập các doanh nghiệp (DN) Nhà nước không phải vấn đề mới. Nhưng việc tái cơ cấu Vinashin xảy ra đúng thời điểm nhiều DN đang gượng dậy sau cú sốc suy thoái kinh tế có thể mang lại hiệu quả khác nhau.
Tăng thêm gánh nặng
Trả lời câu hỏi của báo giới “chuyển một số dự án của Vinashin về Tổng Công ty Hàng hải VN (Vinalines) trong thời điểm Vinalines đang khó khăn có tạo thêm gánh nặng cho Vinalines hay không?”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn thừa nhận là có, tuy nhiên, như thế sẽ không khó khăn bằng tiếp tục để các dự án này ở Vinashin.
Theo quyết định của Thủ tướng, Vinalines sẽ tiếp nhận 7 DN và dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh doanh vận tải biển và khai thác cảng. Tổng tải trọng đội tàu được chuyển giao sang Vinalines là 1,2 triệu tấn.
Theo ông Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines, đơn vị này đã sẵn sàng tiếp nhận các dự án được chuyển giao và thành lập một ban chỉ đạo tiếp nhận chuyển giao. Tuy nhiên, bản thân Vinalines đang rất khó khăn.
Do đó, việc tiếp nhận các dự án của Vinashin chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Vinalines. Đáng lưu ý là thông tin sơ bộ cho thấy Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin - một trong những DN được chuyển sang Vinalines - có 5 - 6 con tàu bị bắt giữ tại cảng nước ngoài.
Đội tàu của Vinashin có tuổi cao, giá mua đắt và có thể giá trị thực con tàu thấp hơn giá trị sổ sách. Vì vậy, Vinalines đang chờ báo cáo cụ thể của Vinashin và của kiểm toán để “bắt bệnh, kê đơn” cho chuẩn. Ông Chiều cũng đánh giá sau khi chuyển về Vinalines, các DN này chưa thể có lãi ngay được.
Nhận nợ bằng dự án
Đối với Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), việc tiếp nhận các dự án của Vinashin không đến mức là gánh nặng. Vì trước đó, PVN đã đặt vấn đề chuyển nhượng một vài dự án Vinashin không đủ vốn triển khai cho PVN để trừ nợ.
Theo bà Phan Thị Hòa, ủy viên HĐQT, Trưởng Ban kiểm soát PVN, Vinashin nợ Công ty Tài chính Dầu khí - một công ty con của PVN - 2.000 tỉ đồng và có nhiều dự án đóng tàu cho PVN chậm tiến độ nên PVN đã đề nghị Vinashin chuyển nhượng một số dự án cho PVN nhưng đề nghị nói trên không được Vinashin đồng ý. Khi cơ cấu lại Vinashin, chính những dự án được PVN đề nghị chuyển nhượng trước đó đã được Chính phủ yêu cầu PVN tiếp nhận.
Theo PVN, các dự án này khá phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh của PVN. Vốn cho các dự án tiếp nhận của Vinashin không quá lớn, PVN có thể tăng phát hành trái phiếu ở trong và ngoài nước để huy động.
Tuy nhiên, cả Vinalines và PVN đều cho biết sẽ phải kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc biệt để xử lý công nợ của các DN tiếp nhận từ Vinashin. Đối với các dự án được tiếp nhận, hai DN này sẽ đề nghị được vay vốn ưu đãi để triển khai thực hiện.
Bình luận (0)