Một con voi ở Đắk Lắk phải chịu hàng trăm nhát chém của kẻ xấu
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa khẳng định con tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam đã chết, cùng với đó là lời cảnh báo nhiều loài động vật quý hiếm ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều chuyên gia động vật học dự báo loài voi ở Việt Nam có thể tuyệt chủng trong 20-25 năm tới nếu không cấp bách triển khai các dự án bảo tồn.
Môi trường sống bị thu hẹp
Đắk Lắk chiếm phần lớn số voi của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, “thủ phủ” voi này chỉ còn 57 con voi nhà và khoảng 100 con voi rừng.
Đàn voi nhà của Đắk Lắk đã giảm mạnh trong nhiều năm qua, từ 502 con vào năm 1985 xuống còn 57 con trong năm 2011. Điều đáng quan tâm là trong số này, chỉ có 3 con dưới 15 tuổi, 43 con từ 15-45 tuổi, 9 con lớn tuổi, 5 con già yếu. Mới đây, ngày 20-10, thêm một con voi ở Buôn Đôn (Đắk Lắk) chết trong lúc tham gia diễn xiếc thú tại Hải Dương.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện nay, Đắk Lắk chỉ còn khoảng 100 voi rừng, chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) và lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ (huyện Ea Súp). Số lượng voi rừng đang suy giảm nghiêm trọng do môi trường sống bị thu hẹp và tình trạng săn bắn voi rừng đang diễn ra phổ biến.
Trong 2 năm qua, cả nước có đến 19 con voi rừng và 7 con voi nhà chết. Chỉ trong năm nay đã có 4 con voi rừng ở Đắk Lắk chết, trong đó chủ yếu là do bị sát hại.
Lông đuôi voi được bày bán tràn lan tại nhiều khu du lịch
PGS-TS Bảo Huy, Trưởng nhóm nghiên cứu lập dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết: Khu vực an toàn cho voi rừng ở Đắk Lắk hiện chỉ còn khoảng 150.000 ha, đây được xem là diện tích tối thiểu cho voi sinh sống. Vì vậy, ở huyện Ea Súp, voi rừng thường xuyên đi vào khu vực canh tác của người dân. Nếu diện tích rừng - khu vực sinh sống của voi - tiếp tục suy giảm, nguy cơ xung đột giữa voi và người sẽ còn gia tăng.
Thiếu kinh phí bảo tồn
Thời gian gần đây, việc cho voi nhà sinh sản hết sức khó khăn. Nguyên nhân là chưa có cơ chế phân chia lợi ích giữa chủ voi cái và voi đực. Phần lớn chủ voi đực không được hưởng lợi trong việc phối giống mà còn phải chịu trách nhiệm khi voi đực làm voi cái bị thương trong quá trình này.
Bên cạnh đó, việc khai thác voi quá mức cho du lịch đã làm cho voi nhà không có thời gian nghỉ ngơi, sinh sản.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án bảo tồn voi giai đoạn 2010-2014, với kinh phí hơn 60 tỉ đồng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào giữa tháng 5-2011, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Cao Đức Phát, đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng triển khai dự án bảo tồn voi. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang thiếu kinh phí cho việc này.
Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk mới khoanh vùng được khoảng 200 ha trong Vườn Quốc gia Yok Đôn để xây dựng đề án bảo tồn voi. Theo đó, 100 ha sẽ là bãi thả voi tập trung, còn lại 100 ha sẽ là nơi xây dựng trụ sở, bệnh viện voi, trồng các loại cây thuốc chữa bệnh cho voi…
Theo TS Bảo Huy, nếu triển khai dự án, voi sẽ được tập trung để chăm sóc giống như tự nhiên. Điều đặt ra là làm sao các chủ voi hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, đồng ý đưa voi vào khu tập trung, từ bỏ việc đưa voi vào các khu du lịch đang có thu nhập cao.
Để làm điều này, có lẽ không còn cách nào khác là phải trả một khoản tiền cho người đưa voi vào khu tập trung. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để chăm sóc voi cũng là vấn đề đáng bàn vì hiện nay chúng ta không có kinh nghiệm trong công việc khá phức tạp này. n
Bảo hiểm voi
Ông Đặng Văn Long, người có nhiều voi nhất (9 con) ở Việt Nam, cho biết: Không chỉ về mặt hình thức, lông đuôi giúp voi xua đuổi côn trùng gây bệnh. Tuy nhiên, việc cắt trộm lông đuôi của voi ngày càng phổ biến. Trước đây, chỉ cần vài người nhưng hiện nay, ông Long phải thuê thêm 10 người để bảo vệ, chăm sóc đàn voi của gia đình.
“Tại nhiều cuộc hội thảo về voi, tôi đã nhiều lần đề xuất mua bảo hiểm cho voi nhưng đến nay, cơ chế để bảo hiểm cho voi vẫn chưa thể thực hiện” - ông Long cho biết.
Bình luận (0)