Lực lượng cứu hộ đi dọc theo Khe Ang (Nghệ An) để tìm kiếm 5 nạn nhân bị lũ cuốn trong cơn bão số 8 Ảnh: ĐỨC NGỌC
Có thể xuất hiện bão đôi
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào 16 giờ ngày 21-9, cơn bão số 9 cách Hồng Kông - Trung Quốc khoảng 640 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17. Đến 16 giờ chiều nay (22-9), bão sẽ cách Hồng Kông khoảng 200 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Trong 1-2 ngày tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 23-9, vị trí tâm bão ở trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 11- 12. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 13-14, vùng gần tâm bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương, Usagi là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu ảnh hưởng đến vùng biển phía Đông Bắc, phía Bắc và giữa biển Đông. Siêu bão này có khả năng gây mưa lớn, lũ muộn trên các khu vực sông suối ở Bắc Bộ.
Trưa qua, 21-9, một cơn bão mới lại hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương có tên quốc tế là Pabuk, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11. Trong 2-3 ngày tới, bão Pabuk di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, nhắm vào phía Nhật Bản và sẽ mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15.
Do bão Pabuk còn đang yếu nên tác động với bão Usagi chưa có. Tuy nhiên, sau 1-2 ngày nữa, khi bão Pabuk mạnh lên, sự tác động này sẽ rõ hơn và có khả năng làm quỹ đạo di chuyển của chúng thay đổi.
Thủy điện không được xả nước cấp tập
Để đối phó với siêu bão Usagi, sáng 21-9, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã ra công điện khẩn gửi các các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển và chuẩn bị ra khơi; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện, hướng dẫn các tàu đánh bắt xa bờ thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ cần theo dõi diễn biến mưa lũ; cảnh báo dân cư sống ở vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để chủ động phòng tránh.
Mới tìm thấy tấm chắn trước của ô tô bị lũ cuốn Liên quan đến vụ 5 người và ô tô bị lũ cuốn ở Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, cho biết sáng 21-9, đội thợ lặn giỏi và kinh nghiệm nhất tỉnh đã được huy động vào việc tìm kiếm. Đây là đội thợ lặn từng tham gia tìm kiếm chiếc xe khách chở 40 người trôi trên sông Lam, tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 10-2010. Tuy nhiên, sau cả ngày quần thảo dọc Khe Ang, đội cứu hộ chỉ mới tìm thấy tấm chắn phía trước của ô tô cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 500 m. Trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã tìm thấy thi thể em Nguyễn Sỹ Phúc (SN 1996) bị nước lũ cuốn trôi chiều 20-9. Ngày 21-9, lực lượng cứu hộ tỉnh Đắk Lắk đã tìm thấy thêm 1 thi thể trong vụ 12 người dân xã Cư K’bang, huyện Ea Súp bị nước xả lũ cuốn trôi. Đó là cháu Đào Thị Thúy (4 tuổi). Đoàn cứu hộ hiện tiếp tục tìm kiếm 2 người mất tích còn lại là Dương Thị Hoa (34 tuổi) và Lý Thị Di (43 tuổi). Đ.Ngọc - C.Nguyên |
Bình luận (0)