Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND Tối cao, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26-5
Trao đổi với Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội sáng 26-5, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND Tối cao, cho biết TAND Tối cao đã có văn bản kháng nghị bản án của ông Hàn Đức Long (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) gửi VKSND Tối cao và các cơ quan tố tụng liên quan.
Kháng nghị của TAND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại. “Sau khi TAND Tối cao có văn bản đề nghị, VKSND Tối cao sẽ tiến hành nghiên cứu lại hồ sơ vụ án” - ông Sơn nói.
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 19 giờ ngày 26-6-2005, khi đi làm về thì vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ngụ thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang) phát hiện con mình gái Nguyễn Thị Yến (SN 2000) mất tích. Sáng hôm sau, xác cháu bé được tìm thấy ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm.
Sau 4 tháng điều tra, cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, sau đó xuất phát từ đơn tố giác của 2 công dân (bà mẹ 75 tuổi và con gái 46 tuổi) về việc bị hàng xóm là ông Hàn Đức Long hiếp dâm, công an địa phương đã tạm giữ ông Long.
Tại cơ quan điều tra, ông Long đã thừa nhận hiếp dâm, rồi giết cháu Yến nhưng tại các phiên tòa xét xử ông liên tục kêu oan và cho rằng đã bị ép cung, nhục hình. Sau 5 phiên tòa (gần nhất Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xử vào tháng 11-2011), HĐXX tuyên ông Long tử hình vì phạm tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.
Theo luật sư Ngô Ngọc Trai, Trưởng văn phòng Luật Ngô Ngọc Trai (Hà Nội), ông Hàn Đức Long có chứng cứ ngoại phạm. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, ông Long đang ngồi chờ đến lượt xay xát gạo. Ông Long ngồi uống nước chè, hút thuốc lào tại cửa ngách thông giữa hai gian xay xát và bán hàng tạp hóa nhỏ của gia đình chủ cơ sở xay xát. Khi ông Long về đến nhà lúc 19 giờ 47 phút (số liệu giờ giấc do cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang thu thập). Khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra hỏi chủ cơ sở xay xát có những ai đến xay gạo chiều đó thì được kể tên 7 người, trong đó có ông Long.
Trong vụ án này, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có bức thư tay đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành tòa án xem xét lại vụ án, để không xử oan cho người vô tội.
Bình luận (0)