* Phóng viên: Thưa ông, cuộc điều tra, khảo sát lần này có gì đặc biệt so với 2 lần trước?
- Ông Lê Văn Thành, Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Hai lần trước, HĐND TPHCM là đơn vị chủ trì và đặt hàng chúng tôi điều tra, lấy ý kiến người dân đối với 6 lĩnh vực: thu gom rác thải, cấp phép xây dựng, cấp chủ quyền nhà - đất, dịch vụ công chứng, xe buýt, giáo dục tiểu học và y tế. Qua 2 lần khảo sát, HĐND TP đã nắm bắt được chỉ số hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền cung cấp những dịch vụ này.
Lần này, trên cơ sở đặt hàng từ UBND TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP triển khai điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người sử dụng dịch vụ hành chính trên 9 lĩnh vực được xem là “nóng”, tác động nhiều đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp: cấp nước, thu gom rác thải, cấp phép xây dựng, cấp giấy chủ quyền nhà - đất, giáo dục mầm non, y tế (dịch vụ khám - chữa bệnh), xe buýt, đăng ký kinh doanh và thủ tục nộp thuế. Trong đó, theo tôi, thủ tục xin phép xây dựng và hệ thống giáo dục mầm non là 2 lĩnh vực bức xúc nhất hiện nay. Đối tượng được lấy ý kiến lần này ngoài người dân còn có cả doanh nghiệp và các tổ chức.
* Chỉ số hài lòng qua điều tra, khảo sát chỉ là con số tham khảo hay thông qua đó, chính quyền TP “điểm mặt” cơ quan hành chính “hành” dân, thưa ông?
- Có 4 yếu tố chính làm cơ sở trắc nghiệm đối tượng được lấy ý kiến đối với mỗi lĩnh vực hành chính công: Khách hàng tiếp cận dịch vụ như thế nào; các loại thủ tục hành chính quy định để tiếp cận dịch vụ; thái độ và năng lực phục vụ của công chức; kết quả giải quyết công việc.
Mục tiêu mà TP đề ra là đánh giá một cách khách quan các cơ quan hành chính trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm kịp thời phát hiện điểm tắc nghẽn để có sự điều chỉnh. Từ đó, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp dịch vụ hành chính công tốt nhất. Chúng tôi cũng xác định chỉ số hài lòng như một cách “nhắc nhở” các đơn vị tự chỉnh sửa, hoàn thiện mình nếu qua khảo sát, lấy ý kiến có phát hiện một công đoạn nào đó, khâu nào đó trong từng lĩnh vực còn khiếm khuyết hay có điểm yếu. Tuyệt đối không có sự so sánh, đối chiếu chỉ số hài lòng giữa các ngành, đơn vị với nhau và cũng không đặt nặng chỉ số hài lòng qua từng đợt khảo sát!
* Ông rút ra điều gì qua 2 đợt khảo sát trước đó?
- Nhìn chung sau 2 đợt khảo sát, dù chỉ số hài lòng không phải đạt 100% nhưng những vấn đề người dân nêu ra là đúng, có cơ sở. Bản thân các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công đã tiếp thu, giải trình với HĐND TP và có sự thay đổi rõ rệt trong thủ tục hành chính và kể cả cung cách phục vụ. Rõ ràng, hiệu quả của việc lấy ý kiến nhân dân thông qua chỉ số hài lòng là sự tương tác: người dân được thẳng thắn góp ý; cơ quan hành chính tiếp thu, giải trình và có biện pháp chấn chỉnh. Nói chung, HĐND TPHCM đã làm rất nghiêm túc chương trình này.
Ở các nước trên thế giới, việc lấy ý kiến cộng đồng được áp dụng phổ biến, họ dùng thuật ngữ là “thẻ báo cáo” (report card) và đây được xem như một kênh để chính quyền tham khảo.
* Khi nào cuộc điều tra sẽ bắt đầu và báo cáo kết quả cho UBND TP, thưa ông?
- Ngay sau khi Sở Tài chính duyệt kinh phí, dự kiến trong tháng 6 này, chúng tôi sẽ bắt tay vào tổ chức điều tra xã hội học. Thời gian điều tra kéo dài trong 1 tháng, có sự hỗ trợ của chính quyền phường, xã, quận, huyện. Sau khi thu phiếu điều tra, chúng tôi sẽ tổng hợp, đánh giá và báo cáo UBND TP.
Như những lần điều tra, khảo sát trước, chính quyền TP không nghe phản ánh một phía từ đối tượng được lấy ý kiến mà còn lắng nghe giải trình từ các cơ quan hành chính công, qua đó làm rõ vì sao người dân còn phiền hà, bức xúc, hướng khắc phục cũng như nêu lên những chủ trương, chính sách chưa hợp lý cần có sự điều chỉnh.
Lấy ý kiến 4.000 hộ dân và 720 cơ quan, tổ chức So với 2 lần trước, quy mô đối tượng lấy ý kiến lần này lớn hơn nhiều với gần 4.000 hộ dân thuộc 12 quận, huyện và 720 cơ quan, tổ chức. Mẫu điều tra được Viện Nghiên cứu phát triển TP xây dựng chi tiết, rõ ràng hơn và đối tượng được lấy ý kiến phải bảo đảm tính đại diện cao. Trong đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP sẽ đảm nhận phần khảo sát, lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp; còn Cục Thống kê TP lấy ý kiến các hộ dân. |
Bình luận (0)