Quận 1 hiện có 18 tuyến đường cho phép đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí và hầu hết đều rơi vào tình trạng tài xế phải “canh me” nhau mới có chỗ đậu xe vào giờ cao điểm.
Đội nắng mưa để “xí chỗ”
Chỉ một buổi sáng có mặt trên đường Nguyễn Huệ, chúng tôi ghi nhận hàng chục ô tô ra vào tấp nập, trong đó có nhiều xe đậu hơn 3 giờ vẫn chưa chịu rời chỗ. Nhiều chiếc taxi loay hoay mãi vẫn chưa tìm được chỗ, bèn đậu bên làn đường dành cho xe 2 bánh và tài xế phải luôn rảo mắt nhìn quanh canh chừng CSGT.
Anh Trực, tài xế cho một giám đốc có công ty thuê văn phòng tại tòa nhà Oscar (đường Nguyễn Huệ), cho biết do tòa nhà không có chỗ đậu xe, anh phải thường xuyên đậu “ ké” ở đường Nguyễn Huệ.
“Hôm nào sếp không đi công tác thì xe đội nắng mưa ngay dưới lòng đường cả ngày. Tôi cũng phải chờ hết giờ làm việc, không dám đi đâu, sợ quay lại hết chỗ” - anh Trực than phiền.
Hỏi vì sao không kiếm một chỗ đậu xe cố định ở một cao ốc gần đó, anh lắc đầu: “Gửi xe tháng như vậy phí cao lại bị động. Đậu xe ở đây vừa linh động, phí lại rẻ hơn nhiều”. Chỉ tay về nhóm 5-6 người đang chụm đầu chơi cờ ở bãi cỏ ngay sát lòng đường Nguyễn Huệ, anh Trực nói: “Họ cũng giống như tôi, phải đậu xe chờ sếp nên chơi cờ để giết thời gian”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên các tuyến đường Mạc Thị Bưởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Đông Du…
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết đậu xe dưới lòng đường cả ngày chỉ từ 5.000-10.000 đồng, tổng cộng 1 tháng tốn 150.000- 300.000 đồng, nếu vào các bãi giữ xe hoặc trung tâm thương mại, mức phí cao gấp 6-7 lần. Mức phí giữ xe trên đường và tại các cao ốc chênh lệch quá lớn dẫn đến tình trạng “xí chỗ” quá nhiều giờ của một lượng lớn ô tô ở trung tâm thành phố.
Chấp nhận may rủi
Nhưng đó không phải là lý do chính. Rảo một vòng đến các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố để tìm bãi gửi ô tô, câu trả lời chúng tôi nhận được là không nhận giữ xe khách vãng lai.
Bãi giữ xe của khách sạn Legend Sài Gòn nhỏ, sức chứa hơn chục chiếc ô tô, phí 50.000 đồng/4 giờ và chỉ giữ xe cho khách ra vào khách sạn.
Trung tâm Thương mại Unionsquare có 3 tầng hầm để giữ xe nhưng đại diện ban quản lý tòa nhà cho biết chỉ giữ ô tô cho khách đến mua sắm mà cũng không đáp ứng đủ. Khách sạn Rex nhận giữ xe cho khách nhưng “hên xui” vì diện tích bãi nhỏ, chỉ chứa khoảng 40 chiếc.
Khó khăn lắm chúng tôi mới kiếm được chỗ nhận giữ ô tô tại tòa nhà Sailing (góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur, quận 1). Theo nhân viên giữ xe, giá giữ ô tô tại khu vực ngoài trời là 20.000 đồng/2 giờ nhưng khu vực này chỉ chứa được tối đa 25 chiếc.
Chính vì không có chỗ đậu xe nên nảy sinh tình trạng đậu xe “lụi” trên nhiều tuyến đường không thu phí. Thấy chúng tôi loay hoay tìm chỗ đậu xe, một thanh niên giữ xe bên hông Nhà Văn hóa Thanh niên (đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1) nói: “Chị cứ đậu đại, em giữ giùm để xe không trầy xước, phí 30.000 đồng/lượt, có điều công an phạt thì chị chịu, mỗi lần 2,5 triệu đồng”. Nhìn quanh, chúng tôi đếm có 6 ô tô đang đậu tại đây chấp nhận may rủi.
Mới đây, ngày 17-5, khu nhà để xe cao tầng và văn phòng cho thuê (Samco 326 Võ Văn Kiệt, quận 1) đã được khai trương. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn Triển vọng (Savista, đơn vị quản lý và vận hành tòa nhà Samco) cho biết khu B với bãi giữ xe 10 tầng, diện tích hơn 32.000 m2, có khả năng giữ 1.000 ô tô cho khu vực trung tâm thành phố đến nay chưa đưa vào hoạt động do chờ đấu thầu quản lý và hoàn tất các trang thiết bị phụ trợ.
Dự kiến, tháng 7-2014 sẽ giữ xe thí điểm tại 2 tầng theo tháng với mức phí dự kiến 2 triệu đồng/tháng. Theo Savista, đã có hơn 100 khách hàng đăng ký gửi xe và mỗi ngày Savista tiếp nhận khá nhiều đơn đặt hàng nhưng chưa giải quyết được.
Hà Nội: Chỉ giải quyết 8%-10% nhu cầu
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện toàn thành phố chỉ có khoảng 700 điểm giữ xe với diện tích chưa đến 13 ha, giải quyết được khoảng 8%-10% nhu cầu gửi xe của người dân.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết chính sự bất cập trong công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng và sử dụng bến bãi đã gây ra tình trạng lộn xộn về giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố.
Theo ông Liêm, nhiều điểm được xây dựng trở thành bãi đỗ xe nhưng thu phí quá cao dẫn đến tình trạng “ế khách” và bị chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Do đó, tuy đất thừa, nhiều dự án treo bỏ không nhưng bãi đỗ xe thì thiếu trầm trọng.
“Trước mắt, có thể tận dụng đất lãng phí hoặc thu hồi dự án treo để lấy đất xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng. Các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm dưới lòng đất hoặc xây dựng bãi đỗ xe cao tầng dọc chân các đê kiên cố cũng cần được tính tới. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ việc thu phí gửi xe nhằm bảo đảm mức giá hợp lý để người dân chấp nhận được. Về lâu dài, cần những dự án nghiên cứu nghiêm túc, khả thi dựa trên nhu cầu thực và thực trạng giao thông tĩnh của thành phố” - ông Liêm đề xuất.
Th.Dương
Không được quan tâm đúng mức
TP HCM hiện có khoảng 550.000 ô tô các loại (chưa kể số lượng xe ngoài tỉnh) nhưng không có quy hoạch chỗ đậu xe rõ ràng.
Về khách quan, chúng ta hiện đang thiếu các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật về bãi đỗ xe trong đô thị. Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ quản lý công trình giao thông trong đô thị giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải chồng chéo, dẫn đến hiện tượng đùn đẩy, tạo lỗ hổng lớn về trách nhiệm quản lý nhà nước.
Vấn đề giao thông tĩnh ở Việt Nam cũng không được quan tâm đúng mức. Quy hoạch đất sử dụng cho giao thông phải bao gồm đất cho các bãi đỗ xe (tối thiểu 1% diện tích đất đô thị, 10% đất khu trung tâm) nhưng do chi phí giải tỏa bồi thường quá cao nên diện tích đất cho bãi đỗ xe ít được quan tâm, một số nhà đầu tư lợi dụng đất bãi đỗ xe chuyển sang làm thương mại dịch vụ.
Thống kê các đô thị lớn trên thế giới cho thấy 60% bãi đỗ xe thuộc đất hạ tầng giao thông (trên các trục đường chính, quảng trường, các khu chức năng đô thị…) và 40% còn lại gắn vào các công trình cụ thể (siêu thị, khách sạn, bệnh viện, trường học…). Với lượng ô tô như ở TP HCM, tính ra, diện tích dành cho việc đỗ ô tô ít nhất cũng phải từ 550-1.100 ha nhưng chúng ta mới có chưa đến 50 ha. Thiếu nhưng vẫn chưa đáng ngại khi ngành giao thông thành phố chỉ kỳ vọng tập trung vào các dự án bãi xe ngầm đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chưa xem việc đầu tư xây dựng bãi đỗ xe là một hạng mục hoặc dự án thành phần gắn kết với các dự án cầu đường hoặc các dự án phát triển đô thị. Đặc biệt, các ngành chức năng không thấy rõ ý nghĩa bãi đỗ xe trong các công trình xây dựng để nghiêm khắc bắt buộc các chủ đầu tư khách sạn, siêu thị, trường học… phải làm đúng theo quy chuẩn xây dựng.
Riêng các dự án bãi đậu xe ngầm tại TP HCM nhiều năm vẫn chưa xong, ngoài lý do về thủ tục, vấn đề chính là dự án không khả thi và không hiệu quả nên nhà đầu tư trì hoãn, tìm cách chuyển công năng bãi đỗ xe sang kinh doanh thương mại.
Để giải quyết tình trạng “khát” chỗ đậu ô tô, thành phố nên nghiên cứu một quy hoạch chi tiết có cơ sở khoa học và tính khả thi cao kết hợp nắm hiện trạng cũng như sắp xếp lại những điểm giữ ô tô tự phát; mở rộng diện tích đỗ xe quanh công viên, trên các tuyến đường nâng cấp mở rộng. Thêm vào đó, huy động quỹ đất tư nhân theo hình thức PPP tại những mặt bằng có sẵn trên khắp các quận - huyện; thu hồi đất dư thừa sử dụng sai mục đích để quy hoạch và xây dựng bãi đỗ xe; kiên quyết giải tỏa việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh mua bán, quy hoạch thành các điểm đỗ xe và đường đi bộ ổn định lâu dài; bắt buộc xây dựng bãi đỗ xe riêng cho các công trình khách sạn, siêu thị, trường học... Ngoài ra, cần có cơ chế phối hợp hữu hiệu, xác định rõ trách nhiệm giữa các lực lượng thanh tra giao thông, CSGT và chính quyền cấp phường về công tác bảo đảm trật tự an toàn các điểm đỗ xe.
TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông)
Bình luận (0)