Trận đánh không thể nào quên
Ông Tấu kể nếu không có những người dân giúp đỡ thì đơn vị của ông không thể có mặt tại Làng Vây và cũng không thể có một chiến thắng hào hùng như vậy.
Từ tháng 10-1967, Tiểu đoàn 198 thuộc Trung đoàn 203 (gồm 2 đại đội với 22 xe tăng) bắt đầu di chuyển vượt 1.000 km đường Trường Sơn từ miền Bắc vào tỉnh Quảng Trị để phối hợp đánh căn cứ địch ở Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Căn cứ Làng Vây là nơi tiền phương của địch, nhằm ngăn bộ đội hành quân vào giải phóng miền Nam. Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng tăng thiết giáp và cũng là trận đánh then chốt trong chiến dịch.
Lúc đó, ông Tấu là cán bộ trung đội, trưởng xe tăng số hiệu 555. Ông nói đây là một cuộc hành trình đầy kỳ tích, chỉ diễn ra 2 tháng nhưng quân địch hoàn toàn không phát hiện và bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Chúng tôi đã dùng hàng trăm ống tre kết thành giàn dựng phía trên xe tăng. Tre rỗng ở giữa góp phần tiêu hao nhiệt lượng do máy móc phát ra khiến địch không thể sử dụng phương tiện hiện đại để dò. Được che từ phía trên nên dù địch ở trên không cũng không thể biết được xe tăng và khi rải bom thì xe không hề hấn gì” - ông Tấu kể và khẳng định ban đêm đơn vị ông hành quân còn vào ban ngày thì nghỉ ngơi để bộ đội lấy lại sức và duy tu, bảo dưỡng xe.
Cuối tháng 12-1967, đơn vị của ông Tấu đã có mặt tại điểm tập kết tại Na Bo, Nậm Khang (Lào) để chuẩn bị và mùa khô năm 1968 thì bắt đầu hành quân từ Na Bo về làng Vây.
Ông Nguyễn Quang Tám, nguyên chuyên gia cố vấn của Đoàn 565, Bộ Quốc phòng giai đoạn 1964-1977 và là nguyên chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết để đoàn xe tăng về được làng Vây, đơn vị của ông đã không biết bao nhiêu lượt vận động người dân Lào, Việt để làm đường ngầm vượt sông Sê Pôn, sông Sê Păng Hiêng. “Mỗi lần như thế, phải vận động trên 300 người dân để làm đường ngầm cho xe vượt sông, chặt nứa kết bè vận chuyển nhu yếu phẩm, xích tăng. Xe tăng đi tới đâu là quân và dân đi theo tới đó để xóa dấu bánh xích nhằm không để cho địch phát hiện” - ông Tám hồi tưởng.
Trước khi đánh vào căn cứ Làng Vây, rất nhiều bộ đội công binh đã hy sinh khi gỡ mìn cho xe tăng đi qua. Kỷ niệm không bao giờ quên đối với thiếu tướng Lê Xuân Tấu là khi đến giờ (21 giờ ngày 6-2-1968) nổ súng nhưng phía trước còn đầy mìn. Lúc đó, người chỉ huy phá mìn của lực lượng công binh là trung đội phó, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Dương bị thương, một cánh tay chỉ còn treo lủng lẳng. “Anh Dương yêu cầu đồng đội dùng dao cắt cánh tay của mình để không bị vướng nhưng không ai dám làm nên anh tự cắt và vẫn chỉ huy anh em làm nhiệm vụ. Sự can đảm, hy sinh của anh đã khiến tôi quyết tâm chiến đấu để trả thù” - ông Tấu tâm sự.
Khi nhận định bãi mìn trước mắt chỉ là mìn chống bộ binh, không thể sát thương xe tăng nên ông Tấu quyết định cho xe mình đang điều khiển tiên phong húc đổ hàng rào địch, tấn công cứ điểm làng Vây. “Khi chúng tôi nã phát súng đầu tiên, quân địch mới biết có xe tăng tấn công và do quá bất ngờ nên không kịp trở tay. Chúng tôi nhanh chóng làm chủ tình hình” - ông Tấu nhớ lại.
Đọng mãi trong tâm trí
Trưa hôm qua (6-7), một nhóm cựu chiến binh gồm 3 người có mặt tại sân bay Tà Cơn, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa sau một chặng đường dài đón xe khách từ Thanh Hóa vào TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Họ là những cựu binh thuộc Đại đội 4, pháo cao xạ 12 ly 7 thuộc Trung đoàn 95C, Sư đoàn 325C có mặt trong những ngày tháng khốc liệt nhất của chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
“Sau 45 năm quay lại, chúng tôi sẽ đến nghĩa trang thắp hương cho đồng đội. Khe Sanh giờ đã đổi thay rất nhiều nhưng những ký ức về các trận đánh vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí” - cựu binh Nguyễn Quốc Sử (ngụ huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ.
Giờ đây, những cứ điểm 845, 832, Động Chi, Khe Voi Mẹt... ở Hướng Hóa mà một thời họ “ăn nằm” bên mâm pháo hàng tháng trời để chiến đấu đã được phủ xanh. Ông Sử nói: “Những cứ điểm đó lúc trước địch thường đóng quân và đổ bộ bằng máy bay. Đơn vị tôi có sứ mệnh rất đặc biệt là bắn tiêu diệt địch khi chúng vừa đổ bộ bằng máy bay để yểm trợ cho lực lượng bộ binh”.
Trong hàng trăm trận tập kích, ông Sử không thể nào quên trận đánh vào tối 13-7-1967 tại cứ điểm 845. Trận đánh đó, khoảng cách giữa đơn vị ông với địch chưa tới 100 m, khi đã hoàn thành nhiệm vụ tập kích, đồng đội kịp rút lui về hậu cứ nhưng ông Sử không kịp chạy và bất tỉnh do có một quả bom nổ quá gần. “Khi về tới đơn vị thì thấy đồng đội đã kết mây làm xong hòm và chuẩn bị cử người lên trận địa pháo tìm thi thể tôi đưa về chôn cất. Nhìn thấy tôi trở về, ai cũng vỡ òa hạnh phúc và ôm chầm lấy” - ông Sử kể.
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng Khe Sanh Chương trình lễ kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa (9.7.1968 - 9.7.2013) bao gồm các hoạt động diễn ra trong ngày 7-7: Tại Khu Văn hóa tâm linh huyện Hướng Hóa, chương trình “Trở về ký ức” từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ; Lễ kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa từ 15 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút. Tại Bảo tàng Chiến thắng sân bay Tà Cơn sẽ diễn ra chương trình “Khe Sanh 1968 - sức mạnh Việt Nam” từ 20 giờ đến 22 giờ do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. |
Bình luận (0)