“Do đạt các tiêu chí theo quy định trong giai đoạn 2005-2011 nên không có vấn đề gì khi trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012 cho ông Bình” - ông Sơn phân tích. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết sau khi gút lại danh sách và gửi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lúc đó mới rõ ông Bình có đạt danh hiệu này hay không.
Theo Bộ Nội vụ, Luật Thi đua - Khen thưởng hiện hành với 25 hình thức khen thưởng cấp Nhà nước (42 cấp độ khen) đã tạo cơ chế để các cấp đẩy dồn các hình thức khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, điều kiện, tiêu chí đối với các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng cộng dồn thành tích trong khen thưởng theo tuần tự (có cấp thấp mới được xét cấp cao) nên đã không khuyến khích được những tập thể, cá nhân sáng tạo, có thành tích đột xuất trong thi đua lao động sản xuất, công tác, nhất là những người lao động trực tiếp.
Theo ông Kiều Sơn, sắp tới, dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi sẽ cố gắng vinh danh nhiều người trực tiếp lao động, sản xuất; bớt trao cho cán bộ lãnh đạo. “Bản thân người lao động trực tiếp đôi khi cũng không quan tâm tới các danh hiệu hoặc họ không đăng ký thi đua liên tục nên không đủ tiêu chuẩn. Tới đây, các quy định sẽ phải thay đổi, tránh rườm rà và để lọt những người đáng ra phải được khen thưởng để động viên họ” - ông Sơn nói.
Các tiêu chí đề cử cũng được thay đổi theo hướng không so sánh nông dân, công nhân với cán bộ, lãnh đạo như hiện nay. “Nông dân sẽ so sánh tiêu chí với nông dân, lãnh đạo với lãnh đạo, chuyên viên với chuyên viên để các đối tượng, thành phần có điều kiện được khen thưởng như nhau nếu thực sự xuất sắc” - ông Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)