Thế nhưng, khi thấy thấp thoáng phía sau mối họa kháng thuốc có bóng dáng của các bác sĩ, dược sĩ thì vấn đề không còn đơn giản nữa, chỗ dựa của người bệnh ít nhiều bị lung lay.
Tại hội nghị chuyên đề “Mối nguy hiểm của kháng thuốc” được tổ chức cách đây hơn 2 tuần ở TP HCM, các chuyên gia về y, dược đã thẳng thắn cho rằng bên cạnh thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi của người dân, một bộ phận bác sĩ do thiếu kiến thức, xác định nhầm bệnh, điều trị bằng kháng sinh đã bị đề kháng, cho dùng kháng sinh chưa đủ liều hoặc quá liều... đã “góp phần” đẩy người bệnh vào vòng xoáy kháng thuốc.
Các nghiên cứu tại một số bệnh viện cho thấy hiện cứ 2 trường hợp bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh thì có 1 bất hợp lý. Trong đó, chiếm tỉ lệ cao là các trường hợp bệnh nhân không nhiễm khuẩn hoặc không do vi khuẩn nhưng bác sĩ vẫn chỉ định “đánh” bằng kháng sinh và sử dụng kéo dài không cần thiết. Một chuyên gia về dược cũng chỉ ra những sai lầm thường thấy khi các bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, như điều trị kháng sinh trễ, dùng kháng sinh không đủ liều, thiếu đánh giá bệnh trạng mỗi ngày để cân nhắc khả năng giảm hoặc ngưng kháng sinh…
Từ rất lâu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nguyên nhân gây kháng thuốc không chỉ đơn giản do người bệnh mà còn đến từ phía bác sĩ, dược sĩ. Nếu ở người bệnh, đó là tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc bừa bãi thì ở bác sĩ có vấn đề kê toa không hợp lý, kê quá liều, thiếu liều hoặc sai liều; dược sĩ thì bán thuốc không theo toa bác sĩ, thậm chí còn “mời chào” người bệnh dùng các loại kháng sinh nặng hơn.
Một nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy tỉ lệ tự ý sử dụng kháng sinh của người dân ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn lên tới 91%. Những con số rất đáng sợ, góp phần tạo “vị thế” hàng đầu của Việt Nam trên bảng xếp hạng các quốc gia đang sống chung với hiểm họa kháng thuốc. Bộ Y tế khẳng định có tình trạng bác sĩ lạm dụng kháng sinh khi kê toa dù bộ đã ban hành hàng trăm hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và kê toa cho các loại bệnh (!).
Có lẽ, không ít người sẽ bất ngờ hiểu rằng trong một ngày không xa, khi kháng sinh không còn tác dụng thì dù chỉ là triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong. Nghiêm trọng hơn, các phương pháp trị liệu như hóa trị ở bệnh ung thư hay phẫu thuật đơn giản cũng sẽ trở nên vô dụng. Hệ lụy còn lớn hơn nhiều!
Bộ Y tế cho biết việc giám sát sử dụng kháng sinh trong hơn 1.000 bệnh viện (từ trung ương đến huyện) đã được triển khai khá chặt chẽ. Nhưng làm thế nào để có thể kiểm soát được việc kê toa ở hơn 170 bệnh viện, 30.000 phòng khám và cơ sở dịch vụ y tế tư nhân trong bối cảnh nhiều bác sĩ cũng biết bán thuốc và dược sĩ sẵn sàng chẩn đoán bệnh?
Liệu có phải mọi trường hợp kê toa kháng sinh không hợp lý đơn giản là do các bác sĩ thiếu cập nhật hướng dẫn sử dụng kháng sinh hay còn vì lợi ích nào khác? Hỏi có nghĩa là đã trả lời. Xem ra, một cuộc đại phẫu của Bộ Y tế lúc này là rất cần thiết nhằm ngăn chặn những biểu hiện “kháng thuốc” ngay trong ngành y tế!
Bình luận (0)