icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khỉ ơi là khỉ!

Trương Điện Thắng

Khỉ là loài vật rất thích bắt chước nhưng thói quen ấy nhiều khi khiến chính chúng và người xung quanh phải xính vính!

Từ hình tượng con khỉ ở núi Sơn Trà và chùa Cầu, người Quảng Nam liên tưởng đến nhiều chuyện vui buồn liên quan đến con vật gần gũi này.

Suýt gây tai vạ

Một nhà ông công chức Tây ở Hội An trước năm 1945 mua đâu được con khỉ khá đẹp, lông mượt như nhung, biết nghe lời và làm được nhiều việc lặt vặt có ích như quét nhà, lượm rác bỏ vào thùng… Chuyện chi chủ nhà làm, nó đều bắt chước và làm rất khéo. Ông bà chủ đi đâu, chỉ cần dặn nó trông nhà, có ai quen đến thì chạy ra mở cửa, lá cây trong vườn rụng thì nhặt bỏ vào thùng. Có hôm, nó còn giúp chủ nhà trèo lên cây cao hái được mấy quả dừa xuống lấy nước đãi khách…

Con khỉ có tên Tây đàng hoàng, hình như là Pít-tơ. Trẻ con trong xóm chơi đánh nẻ, nó cũng xúm vô coi rồi tìm bó đũa ngồi chơi riêng. Pít-tơ không chọc phá trẻ con và hàng xóm bao giờ nên không bị xích như những con khỉ khác.

Có lần, Pít-tơ lẻn xuống bếp đun củi nấu nước như người giúp việc vẫn làm. Bà chủ thấy, vừa buông lời mắng, nó sợ quá cầm cây củi đang cháy bỏ chạy, lại trèo lên cây núp. Khi ông chủ xuất hiện, nó càng sợ, phóng luôn lên mái nhà tranh hàng xóm. Hàng chục người lo sợ chạy ra nhìn, há hốc miệng. Có người la toáng lên “khỉ ơi là khỉ!”, cứ sợ nó thả cây củi đang cháy xuống mái tranh!

 

Khỉ là loài vật rất hay bắt chướcẢnh: Kỳ Nam
Khỉ là loài vật rất hay bắt chướcẢnh: Kỳ Nam

 

Một đứa trẻ hàng xóm thường chơi với con khỉ nghĩ ra kế gọi tên Pít-tơ cho nó ngó xuống, rồi... trật chim tè vào khúc củi khác đang cầm. Pít-tơ liền làm theo. Mọi người thở phào vì tránh được một vụ hỏa hoạn do khỉ gây ra. Thằng nhỏ hàng xóm sau đó được ông bà công chức Tây thưởng cho bữa xí-mà (chè mè đen) sướng rơn!

Cố nhà văn Huỳnh Lý lúc vào sống tại Sài Gòn đã kể với tôi câu chuyện con khỉ mà ông vẫn nhớ mãi từ thời thơ ấu ở miền ngược xứ Quảng. Con khỉ nhà ông cũng thuộc loại giúp ích được nhiều việc. Cả một vườn cau cao ngất đến mùa thu hoạch, ngoài những người có biệt tài trèo cây, phần lớn đều nhờ tới con khỉ nuôi ở nhà. Nó trèo thoăn thoắt và vặt từng buồng cau thả xuống cho chủ, không sứt trái nào. Hết cây này, nó lại đu qua cây bên cạnh, không cần mất thời gian xuống đất. Nó cũng có thể cầm tiền, xách chai xuống tận chợ, cách nhà mấy trăm mét, để mua dầu phộng, nước mắm mang về cho chủ.

Cụ Huỳnh Lý cho biết con khỉ này rất sợ chó. Trên đường về gặp chó, nó thường cầm chặt cái chai rồi phóng lên cây để tránh “kẻ thù”. Chó đứng dưới sủa một hồi rồi bỏ đi. Khỉ lại tụt xuống và mang dầu, mắm về nhà.

Một lần, khi nhảy lên cây tránh chó, vì khỉ vô ý, chai nước mắm đổ tung không còn một giọt! Khỉ ta sợ quá, trốn biệt không về nhà đến mấy ngày. Sau đó, cả nhà đi tìm, dỗ mãi nó mới hết sợ.

Trò khỉ gặp xui!

Dân buôn đò dọc sông Thu Bồn từ Hội An đến Hòn Kẽm Đá Dừng ngày xưa có chuyện vui về khỉ và trò bắt chước của khỉ: Vợ chồng nọ chở rượu dưới phố lên bán trên nguồn và mua về các loại lâm thổ sản. Khỉ vùng Hòn Kẽm Đá Dừng theo dõi nhiều lần, thấy người ta múc rượu trong các thùng gỗ trên thuyền buôn ra uống như uống nước, nói cười vui vẻ. Lợi dụng lúc chủ thuyền lên bờ, cả một đàn khỉ nhảy vào và bắt chước… nhậu. Rượu vào… lời ra, bọn chúng cũng nhảy múa la hét khọt khẹt cho đến lúc say mèm và ngã lăn trên sàn thuyền ngủ như chết!

Khi những chủ thuyền quay lại thì hỡi ơi, bình đã khô rượu và cơ man nào là khỉ nằm lăn lóc từ hầm chứa hàng đến 2 bên mạn thuyền và cả trong chái bếp. Chủ thuyền trói hết khỉ lại quay về vì còn rượu đâu để đổi lấy lâm thổ sản! Nghe nói chuyến ấy, vợ chồng chủ thuyền buôn này được một món lời khẳm từ món hàng… khỉ bất ngờ!

Tai họa mà chú khỉ nhà cụ Huỳnh Lý gánh chịu mới thật là bi tráng. Con khỉ kể trên một hôm nghe heo trong chuồng đói kêu inh ỏi. Cả gia đình đi làm vắng, nó bắt chước chủ nhà đong cám, bắp cho vào cái nồi to đầy nước và nhen lửa nấu cám heo! Lúc cả nồi cám đang sôi, nó cũng bê xuống như chủ nhà thường làm, định để nguội rồi cho heo ăn. Nhưng nồi to, còn khỉ nhỏ con nên… cả nồi cám đang sôi đổ lên người. Khỉ bị phỏng nặng, liền nhảy vào chum nước đầu nhà và thều thào trong đó cho đến khi người nhà quay về. Khỉ nhô đầu trên mặt chum nước, kêu cứu. Khi đó, cả nhà mới phát hiện ra nguyên nhân tai nạn.

Con khỉ được mang ra cứu chữa nhưng vì phỏng quá nặng, nó không qua khỏi. Ngày cuối cùng trên thế gian, nó nhìn hết người này đến người khác trong nhà vào thăm mình, nước mắt lưng tròng, như gửi cho những người thân yêu lời từ biệt…

Ông nội của khỉ

Tôi đem những chuyện nêu trên kể với ông bạn trong làng. Vốn là người hay chuyện, bạn tôi hỏi: “Vậy ông biết chuyện… ông nội của khỉ chưa?” rồi kể ngay:

Có anh chàng nọ đi buôn quần áo trẻ em, trên đường dừng lại nghỉ rồi ngủ quên bên cánh rừng. Đàn khỉ gần đó lẻn xuống lấy hết quần áo đem móc lên cây cao rồi ngồi trên ấy ngó xuống. Thức giấc, biết đàn khỉ lấy cắp hết, anh bèn nghĩ ra kế lấy lại từ kinh nghiệm về chuyện giỏi bắt chước của khỉ. Anh trèo lên một cây gần đó, cởi áo xống lần lượt vứt xuống đất, tức thời bọn khỉ cũng làm theo. Anh trèo xuống, lấy lại tất cả quần áo bị mất của mình và tiếp tục hành trình.

Người bán quần áo trẻ em về nhà kể lại cho người thân nghe câu chuyện. Mấy chục năm sau, có đứa cháu nội cũng theo nghề của ông và cũng bị đàn khỉ lấy hết áo quần trong một chuyến đi bán dạo, ngay gần chỗ ngày xưa ông nội mình đã lừa được bọn khỉ. Anh ta nhớ lại chuyện cũ và cũng làm y như vậy nhưng đàn khỉ chẳng những không trả lại mà còn trèo lên những cây cao hơn, như chọc tức anh.

Bực mình quá, anh mới than thở: “Sao mình làm như ông nội bày mà không được ta?”. Bất ngờ, trong lùm cây bọn khỉ đang nấp, có tiếng nói của con khỉ đầu đàn trả lời: “Mày có ông nội của mày thì bọn tao cũng có ông nội của bọn tao!”. Rồi chúng đồng thanh cười lên thành một hòa âm man dã giữa rừng.

Chuyện bạn tôi kể rõ ràng là một chuyện tiếu lâm đã lan truyền và chế biến thành nhiều dị bản tùy theo mỗi địa phương nhưng đúng như thuyết tiến hóa. Không thể lấy kinh nghiệm của người này áp dụng cho người khác vì không có gì là vĩnh cửu, kể cả kiến thức của chúng ta - một thứ “nhân ư linh” trong vạn vật, chuyển hóa từ loài khỉ!

Kỳ tới: Có oan cho khỉ?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo