xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi ta yêu Đà Lạt…

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Lúc nào đó cảm thấy nghèo nàn mộng tưởng - điều mà bạn bè ta ở Đà Lạt rất giàu có - thì hãy về với thành phố ấy. Đà Lạt không bao giờ cạn nguồn dưỡng chất tình yêu và sự bay bổng cho những cư dân và nghệ sĩ của mình

Có hôm, bọn chữ nghĩa ở Sài Gòn nhớ Đà Lạt quá, bèn ngồi bày trò xếp hạng coi ai… “khùng” nhất Đà Lạt. Rất nhiều đề cử được đưa ra. Kèm theo đó là những giai thoại để bảo vệ cho quan điểm bình bầu. Và rốt cuộc, chẳng có nhân vật nào có thể đủ thỏa mãn cái tố chất đại diện cho một thứ tạm gọi là “sự khùng phổ quát” mà đa số kẻ tỉnh táo hằng đòi hỏi.

Thế mới biết rằng thi người đẹp coi vậy mà còn dễ xếp hạng, còn thi “khùng”, lại là “khùng” ở Đà Lạt, thì khó kiếm ra huê hậu, á hậu lắm thay!

Bà chủ quán Cung tơ chiều

Một dạo, về Đà Lạt, bạn bè cứ xúi đến quán Cung tơ chiều. Nghe bảo trên cái quán đó có một bà chị hát nhạc Trịnh hay lắm, hát mộc, hát gào thét, có kẻ còn thêu dệt là hát bằng giọng khàn của khói sương quyện khói thuốc lá loại nặng đô, của tâm hồn rách nát thương vong trong một cá tính kiêu bạc.

 

Cà phê Tùng, điểm hẹn trữ tình của những người yêu mến Đà Lạt
Cà phê Tùng, điểm hẹn trữ tình của những người yêu mến Đà Lạt

 

Tò mò quá. Do dự mãi rồi thì cũng mò đến. Một đêm nọ, trời mưa sấp mưa ngửa, đường đất, qua ánh đèn mù đục dẫn vào ngôi quán lạnh, từ bên ngoài đã nghe những tiếng bứt dây guitar, rồi một giọng khàn chất đầy u uẩn cất lên trong cõi thâm u, trời đất phút chốc trở nên chao nghiêng bởi “mây bay về đây cưới trời”, hay “chén rượu cay một đời tôi uống hoài”…

Chà, đúng là danh bất hư truyền. Trong cái giá buốt nhức mình mẩy của đêm mưa quán nhỏ trên đồi, có cả cái rúng lạnh rợn trên từng chân lông mà tần sóng âm đầy thương tích kia phả vào.

Quá “ok” rồi còn gì. Nhưng vẫn còn một chuyện mà chờ mãi chưa được dịp ngó thấy: cảnh bà chủ bỏ đàn đi đuổi khách (chỉ cần bấy nhiêu nữa thôi là đủ để ứng với lời đồn của giang hồ rằng những hôm xấu trời, bà chị này rất hay trở chứng).

Mà cũng tại khách cả. Hình như hôm ấy, kể cả khán giả địa phương lẫn dân du lịch đều quá ư tâm trạng, nhìn ai cũng bất động như tượng, mặt mũi nghiêm trang và âm u, cử chỉ hành vi nào cũng rụt rè rón rén nhã nhặn, thành thử chẳng có ai bị đuổi cả.

Ra về, lòng dạ hơi bị thiếu thỏa mãn.

Thôi, hẹn lần khác, biết đâu người được đuổi chính là mình. Sống với người “khùng” thì cũng cần có kiên nhẫn và hy vọng.

Phước “Khùng” - MPK

Một “ca” khác, Phước “Khùng”, tức MPK. Ông này thì chết tên.Tức “khùng” công khai. “Khùng” đi vào tiểu sử. “Khùng” trở thành nghệ danh chứ không còn là giai thoại mập mờ bất thành văn như bà chủ quán Cung tơ chiều nữa(*).

Sự kiện đầu tiên đánh dấu từ một đứa thanh niên lêu lổng giang hồ trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, với MPK đó là bức ảnh mà ông chụp cánh tay rắn rỏi gân guốc của mình bấu lên nền trời đầy mây vào một năm nào đó xa lắm, buồn lắm. Trong bức ảnh đó, sự phẫn uất có, sự lồng lộn bản năng có, sự nổi loạn và cô độc có và cả sự ngang tàng thách thức vô số thứ hiện hữu dưới gầm trời này cũng có.

MPK có nhiều bạn bè. Vì với ai, ổng cũng hề hề cười nói hồn nhiên. Có khi cười nói mãi rồi, hỏi thăm sức khỏe, ôm nhau thắm thiết, hôn nhau muốn mòn cả râu rồi, mà hỏi tên cái kẻ tình thương mến thương ấy là ai, ổng vẫn cười há há, không nhớ. Trong mắt ổng hình như mọi người nói chung chỉ có một cái tên, cái tên Giang Hồ viết hoa.

Ổng trôi dạt trong những mối quan hệ này đến những mối quan hệ khác. Nhưng rõ nhất, ổng đúng là ổng nhất, đó là khi ngồi một mình ở cái góc hẹp cà phê Tùng, khi không có đứa bạn nào vây quanh. Ổng ngồi xiêu, ngồi thẳng rồi lại ngồi vẹo. Mái tóc dài, râu dài, đuôi mắt dài, ống kính dài, cái nhìn cũng dài. Ổng nhìn con phố chật chội quen thuộc như thôi miên chính cái bóng mình phản chiếu trong khung kính. Ổng nhìn phố phường say sưa như người phụ nữ đẹp thích ngó dung nhan mình khi mới vừa sửa soạn trang điểm xong chuẩn bị đi gặp tình nhơn cũ. Thi thoảng ổng sửa tư thế, xoắn râu, chửi tục hay giựt lông mũi. Không sao. Đến bức tượng còn ngứa ngáy huống hồ con người nhiều ngày lười tắm.

Ổng ngồi đó. Mái ngói phía trước rêu lên rồi rêu tàn, mưa nắng đi qua. Ổng vẫn ngồi đó. Những cuộc hẹn chóng vánh, những mối quan hệ thoáng qua, có người coi ổng là bạn, có người coi ổng là trang sức, ghé qua, khoác vai, ôm cổ, chụp hình, hun hít, rồi đi, để về có cái khoe với bạn bè rằng, tôi đã đến cà phê Tùng, đã gặp Phước “Khùng”, đã chạm vào cái đặc sản tài nguyên nhơn văn của Đà Lạt. Ổng vẫn ngồi như bức tượng vỡ sót lại ở góc quán đó.

Người Đà Lạt thì coi ổng như bao người khác thôi. Có khi cũng thật khó phân biệt nghệ sĩ nhiếp ảnh này với người lượm ve chai kia, vì cả hai đều lồm cồm bò trên cỏ, kẻ nhặt nhạnh rác, kẻ thì đang xoay ống kính thu lại hình ảnh một nụ hoa dại, một bông cỏ hoang hay một hột sương sót. Có khi cũng khó phân biệt được kẻ bụi đời với nghệ sĩ nhiếp ảnh vì cả hai cùng lăn lê bò toài trên đồi, đi xàng xê giữa phố mưa tầm tã trong cơn say, miệng cười hô hố, ngửa mặt văng nguyên con tục lên trời mặc cho nó tự rớt xuống trúng vào ai thì ráng mà chịu.

Ai cũng biết “Khùng” là ai, nhưng “Khùng” có là ai thì có ăn nhậu gì.

Kiến trúc sư họ Lữ

Trầm lặng hơn nhưng cũng đáng liệt vào diện “khùng” kiệt xuất ở xứ lạnh này là ông Lữ Trúc Phương, một kiến trúc sư đặc biệt.

Nói như thế vì trong cuộc đời làm kiến trúc sư của mình, ông Phương có một thứ mà những kiến trúc sư tài ba người Pháp tới Đà Lạt đầu thế kỷ XX lẫn số kiến trúc sư người Việt sinh ra với sứ mệnh tùng xẻo Đà Lạt trong 40 năm qua đều không làm được, đó là tạo ra những công trình có tính… lập dị cao.

Nghe nói trước kia ông tạo ra cái nhà trăm mái ở góc đồi Cù. Sau vì lý do gì đó nên bị dẹp đi. Ổng lại tiết ra cái chất lập dị ở bản thiết kế thứ hai, độc đáo không kém, ít ai kiểm soát được, đó là công trình trong lòng đất mà là đất ngoài phố. Nói chính xác, nó giống một ma trận hang hốc địa đạo hơn. Người ta vừa thấy ông hôm qua đào đào bới bới ở đầu này ngọn đồi, vậy mà hôm nay lại choáng váng khi thấy ổng lồm cồm bò lên mặt lộ, hào hứng tuyên bố đã tìm thấy lỗ thông hơi ở phía bên kia đồi (chẳng khác nào cái gã trần truồng nhảy khỏi bồn tắm kêu “Eukéra!” cách đó hơn 2.200 năm bên xứ Hy Lạp!). Ông biến cái đầu hang thành quán cà phê và đặt tên cho ngôi quán là Nhà trăm mái để tưởng niệm cái… công trình đã từng bị tháo dỡ.

Một lần kia, ông rọi đèn pin để người viết bài này leo vô địa đạo của mình. Với tinh thần dấn thân quên mình vì nghề báo để mong lưu danh thiên cổ, ký giả tôi càng đi vào sâu, thấy càng nhát chết, miệng lẩm bẩm mà không rõ đang cầu kinh hay niệm nam mô. Trong khi đó, sau ánh sáng lấp loáng của đèn pin, gương mặt ông kiến trúc sư hiện lên với nụ cười rất giống nụ cười của những tay tẩu hỏa nhập ma trong phim kiếm hiệp. Y phán với tôi rằng: Cứ đi sâu vào hang tối, anh sẽ gặp… sân thượng.

Mà thật, ngay lúc khách toát mồ hôi hột đầm đìa thì sân thượng ngôi quán hiện ra. Hú hồn!

Hỏi, ông có thấy bất thường hay không với những trò chơi này? Ông Phương cười, bây giờ nụ cười lại bụ bẫm giống thần Cupid, chỉ hơi khác ở chỗ Cupid ở truồng và có cây cung trong tay, còn ông Phương thì ăn vận bình thường và cầm cây bút chì.

(*) MPK nghĩa là chữ đầu của ba từ Michael (tên thánh), Phước (tên khai sinh) và “Khùng” (tên cuộc đời đặt cho)

 

Giống như người “ở trển” (!)

Bản liệt kê người “khùng” Đà Lạt sẽ còn dài lắm. Càng đi lại trong giang hồ, càng thấy mỗi người Đà Lạt có một chút tính cách nào đó của những người “ở trển”. “Ở trển” vì họ biết cách sống và thở với thiên nhiên rộng lớn, theo đuổi những mộng tưởng lạ lùng và biết cách rời lý trí hay tính toán thông thường của những kẻ ở trong đô thị chật chội.

 

Chân dung nghệ sĩ MPK
Chân dung nghệ sĩ MPK

 

Nhưng lý giải ra sao về chuyện những kẻ quen sống chốn huyên náo rộn ràng, quen chi ly và thận trọng quá mức, khi trở về Đà Lạt đều mong muốn tìm cho được nơi con người thành phố ấy những phẩm chất quá ư trái ngược với mình?

Có lẽ yêu người “khùng”, ta thèm “khùng”, ngưỡng mộ “khùng”, thích ôm vai bá cổ người “khùng” khi đến thành phố đó, cũng là vì từ lâu ta đã làm cho đời mình trở nên khổ sở, đơn điệu, vô vị với những thặng dư tỉnh táo. Từ lâu ta thèm “khùng” mà chẳng dám “khùng”, thèm yêu mà chẳng dám yêu đến nơi đến chốn, thèm lãng tử mà chỉ có thể lãng tử trong salon.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo