Nếu như phát triển mạnh y học gia đình - một đề xuất khác của giáo sư - là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng quá tải bệnh viện thì nỗ lực kiểm soát tình trạng lạm dụng kháng sinh mang ý nghĩa bảo vệ và tăng cường sức khỏe dân tộc. Đây mới là mục tiêu lớn nhất của ngành y tế. Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A, thành viên nổi bật trong “Dàn nhạc giao hưởng” nổi tiếng mang tên Việt - Đức năm 1988, rõ ràng đã phóng tầm nhìn rất xa khi đưa ra lời cảnh báo về thảm họa lạm dụng kháng sinh.
“Chống kháng thuốc, không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa”. Khẩu hiệu này tiếp tục được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quảng bá, xuất phát từ thực tế đã có hơn 110 quốc gia báo cáo kháng sinh không còn hiệu quả trước nhiều loại vi khuẩn đang hoành hành.
Trong một bài viết trên Báo Người Lao Động mới đây, PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức đã chỉ ra tính chất nguy hiểm của vấn đề này: “Chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều sẽ làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hết; một số lại có khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gien trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh, số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng sẽ không còn tác dụng đối với chúng nữa”. Ông còn lưu ý thêm rằng có một số kháng sinh chống chỉ định, nghĩa là không được dùng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ con. Nếu dùng bừa bãi ở các đối tượng này sẽ khó tránh khỏi nguy hiểm.
Phải nói rằng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang bị thả nổi; phần lớn bệnh viện trị bệnh theo kiểu “bao vây”, hễ có bệnh là “đánh kháng sinh” vô tội vạ. Một vị đại diện Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân khiến kháng sinh được sử dụng một cách “hào phóng” là do bệnh viện và các nhà thuốc bán lẻ chạy theo yêu cầu về doanh số của nhà sản xuất để nhận hoa hồng. Với sự ràng buộc đó, toa thuốc bác sĩ trở thành rào cản đối với họ. Vì thế, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi hiện nay, ở khu vực thành thị có đến 88% kháng sinh được bán mà không cần toa thuốc, trong khi tỉ lệ này ở nông thôn là 91%!
Có cách nào cải thiện tình trạng lạm dụng kháng sinh? Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ rất lâu, đầy thúc bách song vẫn còn đong đưa, lơ lửng. Rất thẳng thắn, GS-BS Trần Đông A đề nghị để giải quyết vấn đề này thì Luật Dược cần phải được sửa đổi, quy định rõ việc bán thuốc theo toa. Vốn hiểu rõ tính chất gay go, “tế nhị” của vấn đề, vị giáo sư 75 tuổi cho rằng để làm được điều này cần sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, trước hết là các bệnh viện.
Nhìn tổng quát, có thể nói hệ thống y tế của ta chưa thật rạch ròi. Luật đã quy định bác sĩ chỉ kê toa chứ không cấp thuốc, còn dược sĩ chỉ cấp thuốc theo toa chứ không tự cấp (trừ những loại thuốc không cần toa). Thế nhưng, do công tác quản lý chưa nghiêm cộng với sức mạnh kim tiền chi phối nên tình trạng nhùng nhằng vẫn còn đó, cuối cùng thì chỉ có người bệnh nhận mọi thiệt thòi!
Bình luận (0)