Đã có cảnh báo, đã được thông tin trên các phương tiện truyền thông và nhiều người đã bị xử phạt nhưng tình trạng bán rẻ mạng sống của không ít người đi xe máy vẫn diễn ra phổ biến ở TP HCM. Ngoài nguyên nhân do ý thức còn phải nói đến những bất cập trong việc phân làn, tổ chức giao thông hiện nay.
Liều mạng
7 giờ ngày 16-11, dòng xe liên tục đổ về đường Phạm Văn Đồng di chuyển theo hướng lên Công viên Gia Định (quận Gò Vấp). Vào thời điểm này, dù làn xe 2 bánh không bị ùn ứ nhưng ở phần đường ô tô, xe máy vẫn xếp kín trên 2 làn để lưu thông. Quan sát tại khu vực gần vòng xoay Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, chúng tôi không khỏi thót tim khi nhiều lần người đi xe máy đột ngột “cắt mặt” ô tô khiến các phương tiện này đều phải thắng gấp, bóp còi.
9 giờ, khung giờ cấm xe máy lưu thông vào làn ô tô nhưng tại khoảng hở dải phân cách gần đường số 20 (quận Thủ Đức), một nam thanh niên chừng 25 tuổi đột ngột chuyển làn, “lạc loài” di chuyển vào giữa dòng ô tô đang lưu thông dày đặc theo hướng về ngã tư Linh Xuân. Thanh niên này cố luồn lách trong các khoảng hở giữa các ô tô khiến nhiều người đang từ cảm giác thót tim phải chuyển qua bức xúc.
“Đây chỉ là chuyện thường so với nhiều trường hợp còn chở theo con nhỏ, kèn cựa với ô tô. Mới cách đây vài ngày, đoạn đường trên xảy ra một vụ tai nạn chết người do chạy xe máy vào làn đường ô tô” - anh Nguyễn Văn Hậu, người thường xuyên lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, kể.
Cũng theo anh Hậu, trên đường Phạm Văn Đồng ở nhiều vị trí đặt vòng xoay, các hướng lưu thông thường xuyên bị xung đột nên nếu thêm việc người đi xe máy lấn qua làn ô tô thì càng khiến giao thông trở nên hỗn loạn hơn và đặc biệt là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Xe máy chạy kín trên 2 làn ô tô đường Phạm Văn Đồng, trong khi làn đường xe máy khá thông thoáng Ảnh: GIA MINH
Thiếu tá Nguyễn Quang Minh, Đội phó Đội CSGT Tuần tra - Dẫn đoàn, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM (đơn vị tuần tra, kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng), thừa nhận vào giờ cao điểm mỗi ngày, người điều khiển xe máy chỉ được lưu thông vào 1 làn ô tô trên đường Phạm Văn Đồng nhưng nhiều trường hợp vẫn bất chấp chạy qua các làn đường khác, gây mất trật tự an toàn giao thông. Vào các khung giờ này, đơn vị đã tổ chức nhiều vị trí đứng chốt nhằm phân làn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Riêng vào những khung giờ cấm, thiếu tá Minh cho biết đơn vị cũng huy động lực lượng đứng chốt gần các giao lộ và đã xử lý khá nhiều trường hợp vi phạm. Thế nhưng, nhiều người vẫn cứ cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên Quốc lộ 1, đoạn kéo dài từ quận Thủ Đức đến quận 12, khi người chạy xe máy cũng thường xuyên di chuyển vào làn đường ô tô, bất chấp dòng xe container, xe tải… đang lao vun vút. Theo ghi nhận, đoạn đường trên có nhiều vị trí dải phân cách hở dẫn đến các phương tiện thường xuyên lấn từ làn đường xe máy qua ô tô.
Quốc lộ 22 đoạn qua huyện Củ Chi cũng là một trong những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng xe máy chạy bạt mạng vào làn ô tô nên đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông. Trong ngày 17 và 18-11, tại khu vực trên, chúng tôi chứng kiến hàng loạt xe máy lưu thông trên làn đường ô tô theo hướng từ TP HCM về tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, suốt 2 ngày ghi nhận dọc đây, chúng tôi không thấy lực lượng CSGT đến xử lý. Trong khi đó, cũng dọc tuyến quốc lộ này, hàng chục vị trí dải phân cách bị tháo bung để mở lối băng qua đường nên tai nạn luôn rình rập.
Tương tự, trên xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến cầu Sài Gòn (quận 2), xe máy cũng thường xuyên len lỏi vào làn đường ô tô, đặc biệt là tại ngã tư RMK nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.
Lãnh đủ
Thống kê trong 9 tháng năm 2016, trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22 (đoạn từ huyện Hóc Môn đến Củ Chi) đã xảy ra gần 70 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 25 người chết. Nguyên nhân là do nhiều người chạy xe máy vào làn ô tô.
Đối với đường Phạm Văn Đồng, một lãnh đạo đội CSGT Tuần tra - Dẫn đoàn cho rằng việc tổ chức giao thông được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP quy định cho xe máy chạy “trộn dòng” rất khó xử lý, nhiều trường hợp vi phạm cự cãi và yêu cầu CSGT phải chứng minh các lỗi bằng hình ảnh nên rất khó thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, thừa nhận tình hình giao thông trên địa bàn TP đang rất phức tạp với số vụ tai nạn có xu hướng tăng. Cụ thể, trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp người đi xe máy cố tình lưu thông vào làn ô tô rồi xảy ra tai nạn, tập trung trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22…
Ông Tường cho biết tại một cuộc họp gần đây, Ban An toàn giao thông TP đã làm việc với Sở GTVT TP cùng chính quyền 8 quận, huyện tìm các giải pháp nhằm hạn chế số vụ TNGT. Cụ thể, với các tuyến đường như Quốc lộ 1 (đoạn kéo dài từ quận Thủ Đức đến huyện Bình Chánh), xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 22…, các đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra lại từng vị trí có dải phân cách hở và nếu chưa hợp lý sẽ điều chỉnh. Với những khu vực thường xuyên bị ùn ứ, có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, các đơn vị cũng sẽ gắn camera quan sát nhằm xử lý kịp thời khi có sự cố và tìm giải pháp xử lý lâu dài.
“Ngoài ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt cũng cần phải điều chỉnh lại những bất hợp lý trong việc tổ chức giao thông, hệ thống hạ tầng. Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị liên quan, phân vai cụ thể nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý. Ở những tuyến đường nói trên, tình hình giao thông trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22 được xem là phức tạp hơn, đặc biệt là tại nút giao thông ngã tư An Sương nên hiện nút giao thông này đã có kế hoạch xây dựng hầm chui” - ông Tường cho biết.
Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho rằng muốn kéo giảm TNGT thì phải xử lý căn cơ đối với xe hai bánh đi không đúng làn đường quy định.
Gấp rút điều chỉnh bất cập
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM), cho biết hiện sở đã giao Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 xây dựng đề án để khắc phụ những hạn chế trên đường Phạm Văn Đồng.
Theo đó, đoạn trên cầu Bình Lợi sẽ tiến hành dời giải phân cách để thu hẹp làn ô tô, mở rộng làn đường cho xe hai bánh, tiến hành kẻ lại vạch sơn và phân luồng lại giao thông tại một số vị trí cho phù hợp hơn.
Bình luận (0)