xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khiếp đảm lụt năm Thìn (*): Đất chết hồi sinh

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Những tưởng làng Đông An sẽ chìm vào quên lãng bởi số người sống quá ít mà người chết thì tràn lan nhưng những người còn lại đã cố quên tang thương, cùng nhau xây dựng lại để giữ gìn hương quán

Từ những túp lều bằng bọc ni-lông, từ làng mạc như bãi bùn non, giờ đây, làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã đông đúc với bao mái nhà xây khang trang san sát nhau. Kinh tế của làng dù chưa mấy khá giả nhưng cuộc sống của bà con đều đã ổn định sau tròn nửa thế kỷ thảm cảnh lụt năm Thìn 1964.

Về theo tiếng gọi cố hương

Ông Nguyễn Tấn Châu (tên thường gọi là Hai Giám, người cùng vợ sống sót trong lụt năm Thìn) trải lòng: “Cả ngôi làng trù phú sau lụt thì như bãi tha ma, ảm đạm đến ghê rợn. Thi thoảng, có vài chiếc lều cắm bằng cọc tre, trong đó có 1-2 người. Cô đơn đến lạ. Chúng tôi những tưởng ký ức sẽ xóa sạch dấu vết của làng Đông An ngày đó”.

Nhà mới, đẹp của dân làng
Nhà mới, đẹp của dân làng

 

Cổng làng Đông An
Cổng làng Đông An

Những người còn sống sau lũ dữ phải nhờ vào gạo cứu đói, lay lắt qua ngày trong cảnh không nhà cửa, không người thân. Sau lụt, bí đao mọc đầy làng Đông An và lớn nhanh vùn vụt, dây nào cũng trĩu trái. Người trong làng hái bí đao dùng làm thực phẩm cho cả năm sau đó và phân phát cho các làng bên cạnh mà không hết.

Một cặp vợ chồng thoát chết sau lũ dữ hiện vẫn còn sống ở làng Đông An là bà Huỳnh Thị Thiệp - ông Lương Lang. Bà Thiệp là 1 trong 19 người trôi trong dòng lũ năm ấy và được cứu sống ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Trước lụt, ông Lang và bà Thiệp đã làm lễ ăn hỏi có sự chứng kiến của 2 bên gia đình. Sau thiên tai, người lớn 2 bên không còn ai sống sót, ông Lang về làng dẫn bà Thiệp xuống Hội An sinh sống. Đến năm 1975, ông bà lại dắt nhau về Đông An để bắt đầu cuộc sống mới, chung tay gầy dựng lại làng.

Bà Thiệp tâm sự: “Sống ở Hội An cũng ổn định nhưng 2 vợ chồng cứ nhớ cố hương. Làng Đông An nằm bên sông Thu Bồn dù khi lụt lội hung hãn nhưng ngày thường thì bình yên lắm. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi quyết định trở về. Đi đâu cũng không bằng quê hương mình”.

Thay da đổi thịt

Ngoài 19 người thoát chết kỳ diệu trong lũ dữ, làng Đông An còn có vài chục người “nhờ” đi làm ăn ở các nơi vào ngày nước tràn về nên thoát nạn. Tổng cộng số nhân khẩu của làng Đông An sau cơn lụt năm Thìn là 62 người thuộc 18 hộ gia đình. Bắt đầu từ đó, họ nương tựa vào nhau để qua cơn bĩ cực.

Sau khi mất 8 người con ruột thịt, vợ chồng ông Hai Giám sinh thêm 3 người con nữa. Ngoài ra, ông cũng là một trong những người có chức trách trong làng đi vận động người ở các làng, xã lân cận đến Đông An sinh sống.

Ông Trần Thế, Trưởng thôn Đông An, cho biết dân làng bây giờ một phần lớn là từ các xã khác đến, một số ít đến từ những tỉnh khác. “Ai đến đây lập nghiệp cũng biết về lịch sử của làng, bà con lấy đỉnh lũ năm Thìn làm mốc cho các trận mưa gió hằng năm. Cứ đến mùa lũ là gọi nhau đi tránh lũ. Bây giờ, điều kiện thông tin đại chúng đã phát triển hơn nhiều so với 50 năm trước nên nếu có xảy ra một trận “lụt năm Thìn lần hai” thì chắc cũng không đến nỗi” - ông Thế nói.

Đông An bây giờ đã thay da đổi thịt một cách rõ rệt. Từ những bãi bùn non trắng xóa đến cây cỏ cũng không sống được năm nào nay đã mọc lên những mái ngói đỏ tươi. “Phải đến vài năm sau trận lụt, làng mới bắt đầu có nhà kiên cố vì người dân khi đó phải lo cho cái ăn, cái mặc rồi mới làm lụng, dành dụm và xây nhà” - ông Giám kể lại. Dần dần, từ đầu đến cuối làng đã mọc lên những nóc nhà xây khang trang liền kề nhau.

Ông Lương Văn Bá - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phước - cho biết làng Đông An hiện có 262 hộ dân với 913 khẩu. Cuộc sống người dân đã dần đi vào ổn định. Số người trong làng bây giờ vẫn ít hơn thời điểm xảy ra lụt năm Giáp Thìn 1964 nhưng có lẽ cuộc hồi sinh đó đã là kỳ tích.

Người làng Đông An bây giờ chủ yếu sống nhờ nông nghiệp, dựa vào những mảnh đất dọc triền sông Thu Bồn chở đầy phù sa. Những bãi bồi tự nhiên trù phú như là món quà đất trời ban. “Phù sa khiến đất xanh tươi tốt, mùa màng bội thu. Có vậy mà làng mới tồn tại và phát triển đến hôm nay” - ông Giám nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-12

Giỗ tập thể

Nằm ở mỏm đất khá cao bên bờ sông Thu, nhà thờ lụt của làng Đông An là nơi thờ cúng hằng năm cho những người đã chết trong lụt năm Thìn. Căn nhà thờ chỉ có bài vị chung, không có tên từng người bởi số nạn nhân nhiều quá không thể nào liệt kê hết. Nhà thờ chỉ được xây 4 bên tường gạch, tô vữa và lợp tôn sơ sài. Bà con trong làng ai cũng đau đáu vì nhà thờ chưa được khang trang như ước muốn.

Theo ông Lương Lang, người coi sóc nhà thờ, mỗi năm làng chọn ngày mùng 5 tháng 10 âm lịch để làm giỗ chung tại nhà thờ cho các nạn nhân lụt năm Thìn. Vào ngày này, toàn bộ các gia đình trong làng và con cháu làm ăn xa khắp nơi đều về dự. Sang mùng 6 thì nhà ai nấy giỗ. “Nhà thờ lụt đó nhắc rằng ngày xưa, làng ta chết 1.481 người vì thiên tai” - ông Hai Giám đau xót.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo