Ngày 7-11, Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Phải quy định rõ trách nhiệm đối với những cán bộ yếu kém, cố ý làm trái và vô cảm trước dân
69,79% khiếu nại, tố cáo về đất đai
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng nguyên nhân gây nên tình trạng tồn đọng khiếu nại, tố cáo là do nhiều nơi có hiện tượng đùn đẩy, tránh né... giải quyết.
Luật “đá” nhau
Hầu hết ý kiến đại biểu (ĐB) tán đồng với báo cáo và cho rằng việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến đất đai quá rối rắm, thậm chí các luật “đá” nhau dẫn đến mỗi nơi xử lý một kiểu.
Chỉ ra sự “đá” nhau của quy định pháp luật, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) dẫn chứng: “Quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất đã dẫn chiếu tới 5 văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có văn bản đã hết hiệu lực”. ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) kiến nghị khung pháp lý hiện hành phải phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng QH cần tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. “Nếu quyết định hành chính không hợp pháp, trái pháp luật đã được thi hành, các quyền và lợi ích công dân bị xâm phạm thì công dân được bồi thường thiệt hại theo pháp luật” - ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) yêu cầu.
Đến được chân lý không đơn giản
Dẫn sự vô cảm của cán bộ công quyền, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết: “Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải vừa trực tiếp gặp công dân Nguyễn Tấn Lực để giải quyết khiếu nại lâu năm. Kết quả, anh Lực hứa rút lại đơn kiện đã gửi ra tòa và cho rằng việc gặp Bí thư Thành ủy 20 phút có tác dụng hơn 20 năm chạy vạy khắp nơi”.
Ông Đào Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện của QH, cho biết có một công dân gửi đơn khiếu nại đến 500 ĐBQH và khắp các cơ quan. Sau quá trình tìm hiểu thấy rằng hơn 10 năm qua, người này đi khiếu nại nhưng các cơ quan chức năng không hề giải quyết và đùn đẩy với nhiều lý do. “Niềm tin, mong muốn là như vậy nhưng để đi đến được chân lý không hề đơn giản, trong khi nhiều khiếu nại của người dân là đúng” - ông Long chua xót.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt câu hỏi: “Có hay không các nhóm lợi ích len lỏi vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước để đứng về phía doanh nghiệp, gây bất lợi cho người dân?”. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tiếp tục nêu vấn đề: “Vụ thu hồi đầm nuôi tôm của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng sai mười mươi nhưng chỉ có 1 phó chủ tịch huyện bị khởi tố là không thỏa đáng, có ai đứng đằng sau giật dây chính quyền không?”.
Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nói: “Hiện nay, có tình trạng lạm dụng sự can thiệp của Nhà nước để trục lợi. Phải ngăn chặn việc đem quân đội, công an vào việc cưỡng chế người dân trong khi chúng ta có cả hệ thống tổ chức chính trị - xã hội”.
Xây dựng tòa án 4 cấp để tránh sai sót Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận những ý kiến của ĐBQH về thực trạng xét xử các vụ việc liên quan đến đất đai là đúng thực tế. Theo ông Bình, sắp tới sẽ xây dựng tòa án 4 cấp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính liên quan tới đất đai. Mô hình này không phân theo cấp hành chính mà theo cấp xét xử, trong đó, tòa sơ thẩm khu vực sẽ xét xử các vụ án hành chính và không còn gắn với chính quyền địa phương. “Có thể sửa luật bằng cách thiết kế một hệ thống tòa án hành chính độc lập. Trước mắt, với những vụ việc hành chính liên quan đến đất đai mà phức tạp, tòa án cấp tỉnh sẽ xử sơ thẩm và TAND Tối cao xử phúc thẩm để khắc phục vi phạm như vừa qua” - ông Bình cho biết. |
Trước thực trạng khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai phức tạp hiện nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị lập ủy ban giám sát thuộc QH về vấn đề này. |
Bình luận (0)