Chiều 7-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã nghe Chính phủ, TAND Tối cao và VKSND Tối cao báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014.
Gần 11.000 đơn thư khiếu nại
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cho biết năm 2014, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, tình trạng khiếu nại đông người lại tăng, nhất là tại trụ sở tiếp công dân của trung ương ở Hà Nội và TP HCM (tăng 17,85% số lượt người, 15,08% số đoàn đông người và 26,79% số vụ việc). Nguyên nhân chính là do chất lượng giải quyết khiếu nại ở một số địa phương chưa cao, nhất là cấp huyện.
“Vẫn còn tình trạng kết luận thiếu chính xác, kiến nghị biện pháp không phù hợp. Một số trường hợp chưa mạnh dạn sửa sai” - ông Tranh thừa nhận.
Không khởi sắc như báo cáo của Chính phủ, báo cáo của TAND Tối cao do Phó Chánh án Tống Anh Hào công bố lại khẳng định tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn còn diễn biến phức tạp. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gia tăng hơn so với năm 2013, đặc biệt là đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 652 đơn/vụ).
Theo ông Hào, ngoài số đơn cũ còn lại của kỳ trước chuyển sang (4.318 đơn/vụ), số đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm) mà TAND Tối cao và TAND cấp tỉnh phải giải quyết trong năm 2014 là rất lớn (10.659 đơn/vụ). Chiếm phần lớn trong số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nêu trên liên quan đến lĩnh vực dân sự, hình sự (khoảng 66%) và hầu hết tập trung ở TAND Tối cao (87%).
Đáng chú ý, theo báo cáo của TAND Tối cao, khiếu nại về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của chánh án, phó chánh án, thẩm phán cũng tăng hơn cùng kỳ năm trước 1.240 đơn. Ông Hào công bố: “Các tòa án nhận được 75 đơn khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức, chủ yếu tố cáo biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xét xử, giải quyết các loại vụ án”.
Năm 2015 có thể phức tạp hơn
Là cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, tỏ ra lo lắng trước số vụ khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng không đáng kể (1,8%); trong khi khiếu nại, tố cáo đông người lại tăng tới hơn 12%.
“Để khắc phục tình trạng này, phải đánh giá, làm rõ tỉ lệ giải quyết đúng, sai là bao nhiêu. Các vụ việc chuyển cơ quan điều tra cuối cùng kết quả xử lý ra sao? Khi phát hiện giải quyết sai thì phải kiên quyết sửa sai” - ông Lý yêu cầu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước nhìn nhận mối liên kết giữa 3 cơ quan (TTCP, TAND Tối cao, VKSND Tối cao) đối với trách nhiệm xử lý khiếu nại, tố cáo là hết sức quan trọng. “Quyết định giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo đông người đã có hiệu lực cuối cùng nhưng dân vẫn tiếp tục khiếu tố thì xử lý thế nào? Một nhà nước pháp quyền không thể để cứ khiếu nại, tố cáo dằng dai mãi. Trong khi đó, sang năm 2015, tình hình khiếu nại, tố cáo có thể phức tạp hơn thì càng tạo sức ép lớn” - ông Phước cảnh báo.
Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, ông Đỗ Văn Đương, thắc mắc năm 2014, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành tư pháp giảm sâu thì nguyên nhân vì đâu?...
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đặt vấn đề trách nhiệm của người phụ trách, người đứng đầu khi để số đoàn khiếu nại đông người tăng. “Vì sao để kéo dài, trách nhiệm về ai, trung ương hay địa phương, trách nhiệm của cán bộ có hay không? Xử lý đã công khai minh bạch chưa? Cần đề cao pháp luật nhưng phải nhấn mạnh trách nhiệm” - bà Phóng quyết liệt.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết ngành thanh tra đã tiến hành 1.787 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 4.081 cơ quan, tổ chức, đơn vị. TTCP đã kiểm điểm trách nhiệm của 199 tổ chức, 171 cá nhân; xử lý kỷ luật hành chính đối với 42 cá nhân.
Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cam kết Chính phủ một mặt sẽ chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, sẽ xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi tổ chức, kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo, gây rối an ninh, trật tự công cộng; cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật...
Họp kín về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã họp kín cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng QH lấy phiếu tín nhiệm.
Bình luận (0)