Chưa bao giờ nắng nóng ở khu vực miền Trung lại đến sớm như năm nay. Mới đầu tháng 5, người dân ở khu vực này phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trầm trọng.
Sông… “chết khát”
Ông Nguyễn Chí Sâm, Chủ tịch UBND xã Phước Xuân, cho biết trước đây, dù mùa khô hay mùa mưa, nước sông ở đây đều dâng đầy. Nhưng 3 năm qua, từ khi thủy điện Đắk Mi4 chặn dòng, con sông này trở thành sông “chết khát”, không có nước cho gia súc uống nói chi đến nước sinh hoạt cho con người. Do khô cạn, hàng chục hộ dân địa phương sống bằng nghề chài lưới trên sông không còn nơi đánh bắt tôm cá nên lâm vào cảnh khốn khó.
Lợi dụng lúc khô cạn, hàng trăm “vàng tặc” mang theo máy móc đổ về đoạn sông dọc theo đường Hồ Chí Minh từ xã Cà Dy (huyện Nam Giang) đến xã Phước Xuân để khai thác vàng trái phép, khiến lòng sông càng thảm hại hơn. Trong khi đó, nhiều nhánh phía sông dưới thủy điện A Vương (huyện Đông Giang – Quảng Nam) đến sông Bung (huyện Nam Giang) cũng bị khô cạn.
Nước mặn xâm nhập sâu
Theo Phòng NN-PTNT huyện Nam Giang, nhiều cánh đồng lúa nước, nhiều hecta cây ăn quả, đàn gia súc trên địa bàn huyện đang thiếu nước nghiêm trọng. Hàng loạt hộ ở làng Rô, xã Cà Dy phải bán gia súc để tránh tình trạng gia súc chết khát. “Dòng sông cạn kiệt lại bị nạn khai thác vàng làm cho nước sông đục ngầu, gia súc không uống được nói chi đến con người” - già làng Đinh Văn Chooh (ngụ làng Rô) lo lắng.
Hiện nay, hơn 10.000 ha lúa, hoa màu ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn, trong đó Đà Nẵng có tới 3.000 ha.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty Cấp nước TP Đà Nẵng (DAWACO), cho biết nước trên sông Hàn (chảy qua địa phận Cẩm Lệ), sông Yên đã bị nhiễm mặn nặng. Độ mặn đo được tại khu vực cấp nước cho nhà máy nước cao gấp gần 15 lần so với tiêu chuẩn.
Trong khi đó, lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá thấp, lại đỏ ngầu khiến Nhà máy Nước Cầu Đỏ phải hoạt động cầm chừng. Hiện DAWACO đã tăng công suất lên 178.000 m3/ngày đêm (tăng 20% so với ngày thường); đồng thời tăng công suất trạm cấp nước ở bán đảo Sơn Trà từ hệ thống nước suối. DAWACO cũng đang chuẩn bị phương án tăng nguồn tiếp nước cho Nhà máy Nước Cầu Đỏ.
Nhiều thủy điện không chịu xả nước Để giải quyết tình trạng thiếu nước, DAWACO đang đề nghị các ngành chức năng yêu cầu các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia (đặc biệt là thủy điện Đắk Mi 4) xả nước với lưu lượng 25 m³/giây theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có như thế mới đẩy mặn ra khỏi khu vực Nhà máy Nước Cầu Đỏ lấy nước. Trong khi vụ lúa hè thu 2012 ở Quảng Nam đang chuẩn bị gieo sạ nhưng nhiều thủy điện ở khu vực này vẫn “cố thủ”, không chịu xả nước cứu. Chiều 16-5, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Hiện chúng tôi chỉ mới nhận được thông báo từ thủy điện Đắk Mi 4 đang xả nước với lưu lượng 13 m3/giây”. Hiện nay, nhiều nhà máy thủy điện như: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Côn 2… vẫn chưa xả nước với lý do lượng nước về hồ đang ở mức thấp, không thể xả về mực nước chết. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nếu các nhà máy thủy điện không tăng lượng nước xả so với hiện tại, nhiều diện tích vụ hè thu ở đây chắc chắn sẽ thất bại.
Th.Phương |
Bình luận (0)