Sáng 11-8, tại trụ sở UBND TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã tiếp ông Nguyễn Thanh Giảng (ngụ ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) liên quan đến vụ khiếu nại lối đi chung kéo dài hơn 20 năm.
Tòa bác quyết định của UBND TP
Gặp Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, ông Giảng thiết tha trình bày nguyện vọng của ông là có một lối đi đàng hoàng bởi hiện nay, lối đi này rất nhỏ do hàng xóm là ông Văn Hữu Tới chiếm dụng để xây dựng công trình. "Gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại do lối đi chung chưa tới 1 m. Đi bộ thôi mà còn khó khăn huống hồ gì đi xe máy" - bà Nguyễn Thanh Hải Âu, con ông Giảng, bức xúc.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (phải) tiếp ông Nguyễn Thanh Giảng sáng 11-8
Theo hồ sơ, năm 1990, ông Giảng nhận chuyển nhượng 250 m2 của bà Huỳnh Thị Hưởng. Cùng thời điểm, ông Tới tự ý sử dụng 144 m2/5.000 m2 đất có nguồn gốc do ông Văn Hữu Đẩu, là ông nội của ông Tới, thuê sử dụng trước năm 1975. Bên cạnh phần đất 144 m2 này có phần đất trống 150 m2 chưa ai sử dụng nên đã phát sinh tranh chấp giữa các hộ xung quanh. Năm 1998, UBND TP có quyết định giải quyết khiếu nại của các bên và công nhận 150 m2 đất trống này thuộc nhà nước quản lý. Các bên tiếp tục khiếu nại quyết định hành chính này. Đến năm 2005, UBND TP ban hành Quyết định 3386 theo hướng sửa đổi, bổ sung một phần nội dung các quyết định hành chính trước đó và công nhận phần đất hình chữ L có chiều ngang 2 m (bao gồm 1 m hiện hữu và 1 m thuộc phần đất của ông Tới) làm lối đi chung giữa các hộ, trong đó có hộ ông Giảng. Quyết định nêu rõ các hộ có trách nhiệm bảo đảm sự thông thoáng, mỹ quan cho lối đi này. Tuy nhiên, các bên liên quan lại tiếp tục khiếu nại quyết định trên.
UBND TP tiếp tục ra Quyết định 3252 vào năm 2011 sửa đổi một phần của Quyết định 3386 công nhận phần đất hình chữ L có chiều ngang 1 m làm lối đi chung giữa các hộ, chứ không phải 2 m như Quyết định 3386 trước đó. Chính điều này đã tạo thuận lợi cho ông Tới xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần đất đáng lý được dành làm lối đi chung. Ông Tới xây nhà lấn ra phần đất này, thu hẹp lối đi chung còn 1 m, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của các hộ dân bên trong, trong đó có hộ ông Giảng. Trong khi đó, ông Giảng nhiều lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận nhà, đất trên phần đất hợp pháp của mình nhưng không được UBND huyện Bình Chánh giải quyết với lý do "đất đang tranh chấp". Chính điều này, ông Giảng đã khởi kiện ra tòa án.
Nhận đơn của ông Giảng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP đã có bản án phúc thẩm số 151 ngày 22-10-2014 tuyên công nhận nội dung khởi kiện của ông Giảng, hủy Quyết định 3252 của UBND TP. Điều đó đồng nghĩa với việc lối đi chung là 2 m theo như Quyết định 3386.
"3 năm không xong, chủ tịch vào cuộc thì xong trong 30 ngày"
Bản án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao rõ ràng là vậy nhưng kể từ khi bản án có hiệu lực thi hành đến nay đã gần 3 năm, gia đình ông Giảng gõ cửa khắp nơi vẫn không được thi hành. "Gia đình tôi đã có đơn gửi Cục Thi hành án dân sự TP để đôn đốc thi hành án, rồi gửi đơn lên Ban Tiếp công dân TP, UBND TP. Chỉ vì chuyện này mà gia đình tôi đi tới đi lui rất nhiều, mòn mỏi bao nhiêu năm trời" - bà Âu nói và tỏ ra khó hiểu vì sao cơ quan chức năng không thi hành quyết định của tòa. Trong khi tại buổi tiếp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết yêu cầu của ông Giảng là phù hợp và chính đáng vì đã có bản án của tòa phúc thẩm về việc thực hiện theo Quyết định 3386 của UBND TP.
Khi nghe đến đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng bất ngờ cho hay nếu UBND TP chỉ đạo, trong vòng 30 ngày huyện sẽ thực hiện xong Quyết định 3386 - tức thi hành xong bản án (!).
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định từ khi bản án tuyên và có hiệu lực thi hành nhưng mãi đến nay các cơ quan chức năng chậm triển khai làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của gia đình ông Giảng là điều đã thấy. "Rất chia sẻ với ông Giảng bởi trong thời gian vừa qua, gia đình đã chịu đựng sự nhọc nhằn. 20 năm khiếu nại rồi đến khởi kiện" - ông Phong nói. Trên tinh thần đó, ông Phong đề nghị các sở, ban, ngành TP phối hợp với UBND huyện Bình Chánh thực thi bản án của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP đã có hiệu lực pháp luật theo thẩm quyền và thời gian quy định. Song song đó, xem xét cấp giấy chứng nhận nhà đất theo quy định cho gia đình ông Giảng.
Sau khi nghe Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kết luận, ông Giảng hài lòng: "Chủ tịch nói rất đúng!". Ông Giảng mong UBND huyện Bình Chánh khẩn trương thực hiện quyết định của tòa và của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng như sớm ra quyết định công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà gia đình ông đã sinh sống tại đây từ năm 1990 đến nay. Còn bà Âu tuy vui nhưng vẫn không khỏi thắc mắc vì sao có chuyện gần 3 năm không thi hành được nhưng đến khi Chủ tịch UBND TP vào cuộc giải quyết thì huyện Bình Chánh lại khẳng định là giải quyết trong 30 ngày là xong (!?).
Bình luận (0)