Ngày 6-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã lần đầu tiên đối thoại trực tuyến với người dân qua cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hai vấn đề chính được người dân quan tâm đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là điện và xăng dầu.
Giá điện tăng, có sòng phẳng với dân?
Công nhân Nhà máy Thủy điện Zaly (Gia Lai) vận hành phát điện các tổ máy. Ảnh: TTXVN
Trước câu hỏi về việc EVN lỗ nhưng lương, thưởng vẫn cao như dư luận phản ánh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích lỗ vừa qua của EVN là do chính sách, không liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Nếu EVN thực hiện đúng cơ chế giá thị trường thì không có chuyện lỗ. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu tiếp tục kéo dài lộ trình tăng giá điện, về lâu dài, cung ứng điện sẽ ngày càng khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Khó kiểm soát hết chất lượng xăng dầu
Liên quan đến vấn đề điều hành giá xăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận vừa qua có sự chuệch choạc. Thậm chí, giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương còn có ý kiến khác nhau nhưng khi ban hành chính sách thì đều có sự thống nhất.
Trả lời câu hỏi về việc thật - giả lỗ lãi của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho biết từ năm 2008 đến nay, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chỉ lãi khoảng 200 tỉ đồng vào năm 2009, còn lại đều lỗ. Dự kiến năm 2011, doanh nghiệp này lỗ hơn 2.000 tỉ đồng. Nói chung, ngành xăng dầu thực hiện đúng yêu cầu và quy định của Nhà nước. Mức chi phí định mức xăng dầu 600 đồng/lít do Bộ Tài chính ấn định nhưng đã lỗi thời. Việc Petrolimex chỉ vượt quá 600 đồng/lít là để bảo đảm cho các đại lý hoạt động. Mức vượt này không được Nhà nước bù lỗ.
Để khắc phục những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đang rà soát lại Nghị định 84 để có những sửa đổi cần thiết về việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn và quan trọng là thời điểm điều chỉnh cũng như mức độ điều chỉnh giá xăng dầu.
Nhiều người dân đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc để xảy ra “xăng bẩn”, có thể là nguyên nhân gây hàng loạt vụ cháy, nổ xe vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: “Việc giám sát kinh doanh, chất lượng xăng dầu, lực lượng chức năng không thể bao quát hết”. Bộ trưởng Hoàng kêu gọi người dân chung sức bằng việc kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng qua đường dây nóng của các sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường.
Hiện có 3 bộ quản lý chất lượng và giá xăng dầu là Bộ Công Thương, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Tài chính nhưng ranh giới này không rõ ràng. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết nếu các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy, nổ xe là do xăng dầu, Bộ Công Thương xin chịu trách nhiệm.
EVN lỗ 3.500 tỉ đồng Cùng ngày, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 của EVN, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết năm 2011, tập đoàn lỗ 3.500 tỉ đồng. Con số này khá thấp so với mức dự kiến lỗ 11.000 tỉ đồng đưa ra từ cuối năm trước do EVN đã thực hiện một số giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động và tăng giá điện. “Bộ Tài chính đã tính toán để EVN không lỗ, giá điện phải tăng 62% trong năm 2011 nhưng thực tế chỉ điều chỉnh từng bước để nền kinh tế không bị sốc. Tập đoàn phân bổ lỗ và giao chỉ tiêu lỗ cho các tổng công ty phân phối điện” - ông Thanh nói. Ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc, quả quyết rằng để cân đối vốn, giải pháp căn cơ nhất là tăng giá điện. Tuy nhiên, việc tăng giá lần nào cũng vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận do ngành điện tuyên truyền không tốt, chưa thuyết phục được người dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, đề xuất tăng 50 đồng đối với mỗi KWh truyền tải điện ngay trong năm nay để lấy vốn đầu tư cho lưới điện đang trong tình trạng có thể sập bất cứ lúc nào. Nếu được EVN chấp thuận, giá truyền tải điện sẽ tăng lên 120 đồng/KWh và tính vào chi phí giá thành điện. Hai lãnh đạo doanh nghiệp đều than không biết lấy đâu ra tiền thưởng Tết cho người lao động. P.Anh
Bình luận (0)