Theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND TP HCM, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được bắt đầu từ ngày 1-7. Dù vậy, trước giờ G nhưng nhiều quận, huyện trên địa bàn vẫn đang xây dựng kế hoạch chứ chưa tiến hành thu.
Tự nguyện là chính
Theo ông Trần Minh Tú - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - cho đến ngày 30-6, phường vẫn đang phát phiếu kê khai các phương tiện trên địa bàn. Qua đó, tiến hành lập, phê duyệt danh sách thu phí và tiếp tục chờ chỉ đạo từ quận. “Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và tập huấn cho các cán bộ làm nhiệm vụ thu phí. Việc này đã được phường triển khai từ khoảng giữa tháng 6 và cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, việc tập huấn và xây dựng bộ máy thu phí chưa xong nên chưa thể thực hiện từ ngày 1-7” - ông Tú thừa nhận.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND phường Long Phước, quận 9 - cho biết việc thu phí trên tinh thần do người dân tự nguyện đóng góp; cần có giải pháp thu để bảo đảm công khai, minh bạch và khoa học. Hiện phường Long Phước đã hoàn tất việc kê khai các phương tiện trên địa bàn cũng như tập huấn xong cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện thu phí. “Việc thu phí có thể được bắt đầu vào ngày 1-7, tuy nhiên sẽ không gây áp lực cho người dân. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tự nguyện đến phường đóng phí. Những người thuộc hộ nghèo, trong biên lai sẽ được ghi là đối tượng miễn thu để tránh trường hợp khi đi đường bị lực lượng CSGT kiểm tra phát sinh nhiều giấy tờ rườm rà” - bà Thanh nói.
Theo đại diện UBND phường Tân Phú (quận 9), nơi đây đã bắt đầu phát phiếu thu phí cho các hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trước mắt vẫn áp dụng các biện pháp tuyên truyền để người dân tự nguyện đóng phí. Bước đầu, việc thu phí chắc chắn sẽ chưa hoàn thiện và còn nhiều ý kiến phàn nàn từ người dân. Trước mắt, phường sẽ vừa làm vừa điều chỉnh để hoàn thiện hơn.
Chưa thể ấn định ngày thu
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Bí thư, Chủ tịch UNBD quận 12 - cho biết đã triển khai đến 11 phường và khu phố trực thuộc quận lên kế hoạch thu phí xe máy từ giữa tháng 6. Trong đó, mức phí cho loại xe có dung tích xi lanh dưới 100 cm³ là 50.000 đồng/xe/năm; 100.000 đồng/xe/năm cho xe từ 100 cm³ đến 175 cm³; xe có dung tích xi lanh từ 175 cm³ trở lên là 150.000 đồng/xe/năm. Tuy nhiên, việc triển khai tuyên truyền phát tờ rơi, thống kê số lượng xe máy và hướng dẫn kê khai… sẽ gây áp lực lên chính quyền các phường và khu phố trong quá trình tiến hành thu phí. “Lo ngại không hiệu quả, thiếu công bằng giữa người nộp và người không nộp, số lượng xe máy trên địa bàn là rất lớn. Vì vậy, UBND quận 12 chưa thể ấn định ngày thu phí cụ thể” - ông Thắng thông tin.
Theo ông Trần Thanh Túc - Phó Chủ tịch UBND phường 12, quận 3 - khó khăn lớn nhất hiện nay là việc người dân đang gánh rất nhiều loại phí nên việc tiếp cận và giải thích cho họ hiểu là điều nan giải. Về cơ bản, phải thực hiện sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm bảo đảm công tác quản lý, kê khai, thu phí cân bằng, chặt chẽ. “Chúng tôi cũng chưa ấn định cụ thể ngày thu phí xe máy” - ông Túc nói.
Khi nhắc đến việc khảo sát, thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, một cán bộ quận Bình Tân ngao ngán: “Chịu thua, khó mà làm tốt được!”. Theo vị này, tính riêng số công nhân KCN Pou Yuen và Tân Tạo hiện cư ngụ trên địa bàn quận đã lên hàng ngàn người, số lượng xe máy rất nhiều. Nếu thực hiện khảo sát, nắm số lượng xe máy chắc chắn sẽ không chính xác khi dân tỉnh lên TP sống khá nhiều. “Ở quận Bình Tân, tính ra một cán bộ khảo sát phải tiếp xúc hàng ngàn nhân khẩu. Chưa kể việc công nhân từ sáng sớm đã đi làm, đến gần tối mới về nhà nên muốn kê khai số lượng xe máy thì phải đi vào giữa khuya” - vị này nêu thực trạng.
Đóng tiền, đường sá có tốt hơn?
Phóng viên Báo Người Lao Động đã thực hiện một cuộc khảo sát gần 20 hộ dân ở tuyến đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), hầu hết cho rằng việc thu phí không hợp lý. Theo người dân nơi đây, tuyến đường dẫn vào nhà họ vẫn còn lổn nhổn đất đá rất khó khăn cho việc đi lại. “Khi đóng tiền, liệu đường Hồ Học Lãm có được nâng cấp không? Chúng tôi phải thấy việc hưởng lợi trực tiếp, trước mắt thì mới đóng” - anh Trần Văn Hòa, công nhân KCN Pou Yuen, quả quyết.
Trong khi đó, nhiều người dân sống ở phường Tân Quy (quận 7), phường 9 (quận 5), xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)… đến cận ngày vẫn chưa biết “mặt mũi” tờ giấy khảo sát số lượng xe máy như thế nào. Bà Phạm Thị Quyên (ngụ đường số 53, phường Tân Quy, quận 7) nói: “Gia đình tôi có 4 xe máy nhưng sử dụng thường xuyên chỉ 2 chiếc. Nếu đóng đầy đủ thì hơi bất công. Thật ra, xe máy không làm hỏng đường, có chăng chỉ những xe container, xe tải mới là “hung thủ”. Cứ thu tiền phí bảo trì đường bộ vào giá xăng là hợp lý nhất vì ai chạy xe nhiều thì đóng nhiều, ai chạy xe ít thì đóng ít”.
Gia đình anh Nguyễn Khoa Nam (ngụ phường Tân Phú, quận 9) có 3 xe máy và đã được phường phát phiếu thu phí mỗi chiếc là 100.000 đồng. “Gia đình tôi chỉ sử dụng thường xuyên 1 chiếc, việc đóng như nhau là hơi thiệt thòi. Đủ loại phí phải đóng trong khi đường sá ở địa phương nhiều nơi đã xuống cấp mà không hề được tu sửa” - anh Nam bức xúc.
Không phù hợp sẽ kiến nghị Chính phủ
Trước đó, ngày 22-6, HĐND TP đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND TP nắm lại tình hình về tiến độ thực hiện nghị quyết của HĐND về thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Sau khi có báo cáo cụ thể về quá trình chuẩn bị, HĐND TP sẽ đưa ra phương án điều chỉnh. Nếu không phù hợp thì sẽ có ý kiến để UBND TP kiến nghị với Chính phủ.
Bình luận (0)