Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Lợi doanh nghiệp, thiệt dân!
Trong văn bản mới đây gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) góp ý xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo, Bộ Y tế đề nghị bổ sung một điều mới về xác nhận nội dung quảng cáo. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đặc biệt thì các tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải được cơ quan Nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền xác nhận nội dung được quảng cáo. Nội dung này đã được quy định tại các luật chuyên ngành như Luật ATTP, Luật Khám chữa bệnh…
Một đại diện của Bộ Y tế cho rằng với quy định của Luật Quảng cáo, có thể sẽ là kẽ hở để DN “lách” quảng cáo hoặc có những quảng cáo tràn lan, thổi phồng không được kiểm soát về nội dung trong lĩnh vực khám chữa bệnh, y học cổ truyền, thực phẩm chức năng…, gây ngộ nhận, hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - ATVSTP (Bộ Y tế), thực tế thời gian qua, kể cả khi được cơ quan quản lý “chấm” nội dung quảng cáo nhưng rất nhiều loại thực phẩm chức năng vẫn được quảng cáo không đúng với nội dung mà cơ quan chức năng cho phép.
Từ đầu năm đến nay, Cục ATVSTP phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra và phát hiện, xử phạt 56 cơ sở vi phạm quy định về ATTP, trong đó có tới 41 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng. Đáng lo ngại là vi phạm về quảng cáo chiếm hơn 50% trong tổng số các sai phạm được ghi nhận. Vì lẽ đó, với các sản phẩm này, trước khi quảng cáo, DN phải nộp nội dung để thẩm định và chỉ được quảng cáo khi nội dung đã được duyệt bởi cơ quan quản lý.
“Với những dịch vụ đặc biệt như khám chữa bệnh, thực phẩm chức năng… mà nương nhẹ trong việc cấp phép quảng cáo thì người tiêu dùng có thể “sập bẫy” trước những lời hoa mỹ”- ông Phong phân tích.
Luật “đá” luật
Thậm chí, điều kiện quảng cáo mà Luật Quảng cáo quy định “đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành” cũng chưa đầy đủ. Bởi thực tế, có những sản phẩm được lưu hành ở nước ngoài nhưng chưa chắc đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. “Giấy chứng nhận ấy có thể là điều kiện cần chứ chưa đủ”- một đại diện của Bộ Y tế nói.
Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo cũng quy định “quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng ATVSTP hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, thực tế giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn này đã bị bỏ gần 10 năm qua và thay bằng giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Không những thế, thời điểm Luật ATTP có hiệu lực thì loại giấy tờ nói trên cũng được thay bằng giấy tiếp nhận công bố hợp quy và giấy chứng nhận phù hợp quy định ATTP. Nếu cứ chiếu theo quy định của Luật Quảng cáo thì các sản phẩm nói trên sẽ không được phép quảng cáo vì các loại giấy tờ theo quy định này đều không còn tồn tại.
Có xác nhận vẫn cứ sai
Bà Ninh Thu Hương, Trưởng Phòng Quảng cáo và Tuyên truyền Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), khẳng định tất cả những điều kiện quy định trong Luật Quảng cáo trước khi ban hành đều đã được lấy ý kiến của cơ quan chuyên ngành và nhận được sự thống nhất. Kể cả trong văn bản góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo mà Bộ Y tế gửi Bộ VH-TT-DL hôm 29-8 cũng không có ý kiến về những vấn đề nói trên. Theo bà Hương, đề xuất “xác nhận nội dung quảng cáo” của Bộ Y tế đang được ban soạn thảo nghị định xem xét nhưng nếu Luật Quảng cáo không quy định thì không thể đưa vào nghị định hướng dẫn.
Bà Hương nhấn mạnh rằng quy trình xác nhận quảng cáo đối với các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến y tế hiện nay tưởng rằng có thể bảo đảm chất lượng sản phẩm nhưng thực tế chỉ quản lý trên giấy tờ, còn nội dung đưa đến người dân như thế nào lại chưa kiểm soát hết được. Nếu Bộ Y tế cứ cố gắng nhận trách nhiệm “cấp phép quảng cáo” thì khi nội dung quảng cáo sai, phía cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm đó.
Quan trọng là khâu cấp giấy phép lưu hành
Bà Ninh Thu Hương phân tích: Tại dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, mức phạt cho việc nội dung quảng cáo sai so với cấp phép có thể lên đến 200 triệu đồng. Xác nhận nội dung quảng cáo không phải là yêu cầu cần thiết mà quan trọng là khâu cấp giấy phép lưu hành, cấp giấy phép chất lượng sản phẩm phải làm thật chặt và tăng cường hậu kiểm. Nếu nội dung quảng cáo sai so với những giấy phép của cơ quan quản lý đã cấp thì DN sẽ bị phạt rất nặng. |
Bình luận (0)