Và chiến dịch ra quân lần này thoạt đầu có vẻ nhẹ nhàng khi tên doanh nghiệp được chỉ đích danh. Song lạ là khi kiểm tra thực tế đã không phát hiện được gì. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trong hồ sơ xác minh việc nhập 480 thùng hàng chế biến từ dầu bẩn được cho là đã vào Việt Nam!
Cách đây vài tuần, người tiêu dùng mê mì Hàn Quốc cũng một phen hốt hoảng khi nghe thông tin 2 sản phẩm mì Neoguri (Hot) và Neoguri (Mild) do Công ty Nongshim (Hàn Quốc) sản xuất đã được nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất gây ung thư. Nhưng cũng tương tự như sản phẩm có chứa dầu ăn bẩn kể trên, cơ quan chức năng Việt Nam chỉ biết và vào cuộc khi có thông báo từ đại sứ quán sở tại về việc thu hồi tự nguyện.
Ngược dòng vài năm trước, năm nào cũng rộ lên chuyện thực phẩm bẩn nhập khẩu (từ sữa đến trái cây, thực phẩm chức năng). Tất cả đều được phía xuất khẩu hoặc người tiêu dùng phát hiện. Chưa hề thấy sự vào cuộc chủ động của cơ quan chức năng. Thậm chí đến thời điểm này, bí ẩn nhiều loại trái cây nhập khẩu để vài tháng còn tươi xanh vẫn chưa có lời giải rõ ràng.
Những câu chuyện trên cho thấy với cách quản lý “chữa cháy” như hiện nay, thật khó tìm ra thực phẩm bẩn. Cho dù phần lớn sản phẩm đó được nhập theo đường chính ngạch. Và nó chỉ được xem là “bẩn” khi có thông tin từ nước sở tại. Việc truy tìm cũng thật gian nan khi cơ quan chức năng nói có, doanh nghiệp nói không. Trên thực tế, với những thực phẩm nhập ngoại, có nhãn mác, người tiêu dùng có thông minh đến mấy cũng khó phân biệt đâu là sản phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn, vệ sinh. Họ chỉ còn trông chờ vào sự bảo vệ của cơ quan chức năng; đạo đức kinh doanh của những cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, mua bán, vận chuyển thực phẩm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào đạo đức của những người kinh doanh để ngăn chặn “thực phẩm bẩn” là điều viển vông.
Sắp tới, với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, thực phẩm nhập khẩu sẽ vào nước ta nhiều hơn. Để bảo vệ người tiêu dùng và cũng để bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh chân chính, vấn đề tiên quyết vẫn là sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cơ quan chức năng. Việc phát hiện thực phẩm bẩn - sạch phải được thực hiện ngay từ hàng rào kỹ thuật của hải quan, sự chủ động và trách nhiệm của cơ quan y tế, quản lý thị trường. Mặt khác, cần nâng mức quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Không chỉ thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm nhiễm bẩn mà cần xem hành vi của những cá nhân, tổ chức tiếp tay hoặc cố tình nhập khẩu thực phẩm bẩn vào Việt Nam là tội ác; tùy theo mức độ vi phạm, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận (0)