Ngày 4-3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM đã làm việc với Ban Quản lý KCX-KCN TP (Hepza) về tình hình quản lý và sử dụng nước ngầm tại các KCX-KCN trên địa bàn. Các đơn vị liên quan đều khẳng định không kiểm soát được tình trạng khai thác nước ngầm vì nhiều nguyên nhân.
Doanh nghiệp đối phó?
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc KCN Tân Bình (công ty hạ tầng), liệt kê gần 10 doanh nghiệp (DN) khai thác nước ngầm nhưng chỉ 3 DN có phép. Theo ông, cả KCN và Hepza đều không nắm được DN nào khai thác nước ngầm vì nếu đã cố tình khai thác lén thì không báo cáo. Trong khi đó, đơn vị cấp phép là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) không thông báo cho KCN.
Ông Nguyễn Thanh Trí, Phó Tổng Giám đốc KCN Vĩnh Lộc, cho rằng các DN khai thác nước ngầm không báo cáo, chỉ khi người của ban quản lý đi kiểm tra, so sánh nước thải với nước cấp thì mới phát hiện. “Nếu Hepza có đi kiểm tra thì chúng tôi mới đi theo chứ bình thường rất khó vào các công ty. Họ giấu bơm, đối phó đủ kiểu tinh vi nên khó phát hiện” - ông Trí phân trần.
KCN Vĩnh Lộc có 11 DN khai thác nước ngầm, trong đó 3 đơn vị được cấp phép với tổng lưu lượng khoảng 2.000 m3/ngày. Tám DN còn lại hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản nên có nhu cầu sử dụng nước rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Ban Quản lý Hepza, cho biết trong 15 KCX-KCN đã đi vào hoạt động, chỉ có KCN Cát Lái và KCX Tân Thuận sử dụng nước hoàn toàn từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), 13 đơn vị còn lại đều khai thác nước ngầm với lưu lượng ước tính khoảng 36.000-38.000 m3/ngày. Trong đó, nhiều KCN vẫn sử dụng song song nguồn nước cấp từ SAWACO và nước ngầm.
Bên cạnh các công ty hạ tầng khai thác nước ngầm cấp cho toàn khu, nhiều DN cũng tự khai thác để sử dụng (cả có và không phép), chủ yếu tại các KCN Tân Bình, Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc…
Hepza cho rằng không thể kiểm soát được vấn đề này do thẩm quyền cấp phép, kiểm tra thuộc sở TN-MT và các quận - huyện. Riêng trường hợp KCN Tân Phú Trung, 45 DN hoạt động tại đây trước khi KCN được thành lập nên công ty hạ tầng không có thông tin dù hầu hết DN ở đây đều sử dụng nước ngầm.
Nhiều KCN đang lún
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh cũng cho biết việc khai thác nước ngầm nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến giám sát nước thải đầu ra. Điều này dẫn đến hậu quả khó kiểm soát lượng nước thải của DN. Một số KCN đang bị lún nền đất như Tân Tạo (lún 0,6 - 1 m), Lê Minh Xuân (0,3 - 0,5 m)…, ảnh hưởng đến hệ thống cống thu gom nước thải, tăng nguy cơ thấm nước thải ra môi trường.
Vì thế, Hepza đề nghị Sở TN-MT không cấp phép khai thác nước ngầm cho các KCX-KCN đã được SAWACO bảo đảm nguồn cấp nước. Bà Hạnh cũng đề nghị Sở TN-MT TP HCM và các đơn vị chức năng trong quá trình cấp phép hay kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác nước ngầm nên phối hợp với Hepza để nắm được nhu cầu sử dụng nước thực tế cũng như tình trạng vi phạm của các DN.
Theo ông Nguyễn Văn Ngà - Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN-MT TP HCM - việc không kiểm soát được tình trạng khai thác nước ngầm cũng có lỗi của sở nhưng DN hoạt động trên địa bàn KCN thì Hepza và các công ty hạ tầng cũng phải có trách nhiệm kiểm tra, quản lý. Ông Ngà cho rằng trước khi cấp phép khai thác nước ngầm, sở đều có văn bản lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
Đại biểu HĐND TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, nhận xét các đơn vị thiếu phối hợp chặt chẽ mới dẫn đến tình trạng này bởi dù Sở TN-MT không thông báo thì các công ty hạ tầng vẫn phải có trách nhiệm quản lý khu vực mình phụ trách. “Vấn đề vô cùng đơn giản, vậy mà tất cả KCN đều không nắm được DN nào khai thác có phép hay không” - ông thất vọng.
Ông Minh cho biết trong đợt 1-2014, UBND TP HCM đã ghi vốn 39 tỉ đồng cho hệ thống cấp nước cấp 1 (hệ thống lớn hoặc khu vực trung tâm). UBND TP HCM đang sửa đổi Quyết định 69/2007 (quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP) theo hướng tiến tới hạn chế sử dụng nước ngầm tại các KCX-KCN, một số khu vực sẽ cấm hẳn.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, băn khoăn: Nếu các đơn vị không quản lý được DN nào khai thác nước ngầm thì lộ trình sắp tới, TP sẽ cấm ai, cấm đơn vị nào? Ông Ngà cho biết UBND TP đã chỉ đạo sửa đổi Quyết định 69 theo hướng khu vực nào mạng lưới cấp nước của SAWACO đã phủ đến thì sẽ cấm khai thác nước ngầm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với Hepza và các công ty hạ tầng rà soát, tổng hợp lại các số liệu liên quan đến vấn đề khai thác nước ngầm trong các KCX-KCN cùng các giải pháp, gửi về HĐND TP HCM trước ngày 28-3.
SAWACO: Bao nhiêu nước cũng đáp ứng đủ!
Ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, khẳng định như vậy khi các KCN-KCN đặt vấn đề mạng lưới cấp nước SAWACO có đủ đáp ứng khi cấm khai thác nước ngầm không.
Theo ông Hải, sản lượng nước cấp hiện tại của SAWACO đạt 1,65 triệu m3, đủ nhu cầu cho sinh hoạt, sản xuất toàn thành phố, SAWACO chỉ thiếu đường ống. Cuối năm nay, sản lượng này tăng lên 1,95 triệu m3 và đến năm 2015 sẽ là 2,25 triệu m3. Trừ huyện Củ Chi, 23 quận - huyện còn lại, SAWACO bảo đảm đủ lưu lượng và áp lực cấp nước.
Vấn đề là các DN phải cam kết sử dụng nước khi cấp. “Chúng tôi sẵn sàng chi 500 triệu đồng để lắp đặt đường ống mới tới KCN Tân Tạo với điều kiện KCN này phải cam kết sử dụng nguồn nước từ SAWACO nhưng đến nay, Tân Tạo vẫn không cam kết thì làm sao chúng tôi dám đầu tư số tiền lớn như vậy?” - ông Hải băn khoăn. Ngoài ra, KCN nào có nhu cầu sử dụng nước, SAWACO sẵn sàng đàm phán về giá và có chính sách giảm giá.
Bình luận (0)