Tại TP HCM, càng giáp Tết, lượng người kéo nhau đến các bến xe, nhà ga, sân bay để về quê cứ tăng không ngớt.
Sân bay: Ách tắc cả trên trời, dưới đất
Sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt đầu vào guồng bay cao điểm. Đại diện lãnh đạo Cảng vụ Hàng không Miền Nam cho biết năm 2013, sân bay Tân Sơn Nhất đón 20.390.000 lượt hành khách. Trung bình sân bay này đón hơn 55.000 lượt khách/ngày ở cả 2 nhà ga nội địa và quốc tế. Trong đó, nhà ga quốc nội đón khoảng 15.000 lượt người.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải trong mấy ngày qua Ảnh: Tấn Thạnh
Tuy nhiên, năm nay, từ ngày 23-1, lượng khách qua nhà ga quốc nội đã tăng gấp rưỡi và tiếp tục tăng mạnh từ nay đến giáp Tết. Trong ngày 25-1, đã có 28.072 lượt khách đến và đi từ Tân Sơn Nhất. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 31.000 lượt người/ngày trong vài ngày tới.
Do mặt bằng nhà ga có hạn nên số lượng quầy làm thủ tục và cửa soi chiếu an ninh không thể mở rộng thêm. Hiện nay, nhà ga nội địa có 18 cửa ra máy bay. Trong đó, các hãng hàng không giá rẻ VietJet Air (VJA) và Jetstar Pacific Airlines (JPA) được bố trí làm thủ tục lên máy bay cho khách ở các cửa gần khu vực soi chiếu an ninh. Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) được bố trí tại các cửa cuối nhà ga.
Không chỉ phải chen chân xếp hàng tại quầy check in, hành khách còn phải chờ khá lâu ở cửa soi chiếu an ninh do cả khu vực nhà ga đi chỉ có 9 cửa.
So với mọi năm, sự quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất Tết Giáp Ngọ trầm trọng hơn do các hãng hàng không tăng chuyến nhiều hơn, nhất là VJA. Từ ngày 15-1, mỗi tuần, hãng này tăng thêm 7 chuyến từ TP HCM đi Quy Nhơn/Vinh/Hải Phòng/Huế. Riêng đường bay TP HCM đi Đà Nẵng đã tăng lên 42 chuyến khứ hồi mỗi tuần.
Tại đường bay TP HCM - Hà Nội, VNA cũng tăng thêm 385 chuyến bay, tương ứng tăng 23% so với lịch bay thường lệ. Trên chặng bay TP HCM - Đà Nẵng, hãng này cũng tăng thêm 218 chuyến, tương ứng tăng 26%.
Chưa bao giờ các hãng hàng không phải khuyến cáo hành khách có mặt tại sân bay 3 giờ trước khi khởi hành để làm thủ tục do quá tải như Tết năm nay. Thông thường, hành khách chỉ cần có mặt trước 2 giờ.
Không chỉ dưới đất, sân bay Tân Sơn Nhất còn ách tắc cả trên trời. Dù sân bay này có 2 đường băng nhưng máy bay chỉ có một đường di chuyển từ sân đỗ ra đường lăn nên thường xuyên bị tắc nghẽn. Vào giờ cao điểm, máy bay đến/đi từ Tân Sơn Nhất thường phải chờ ít nhất 5 phút để chuyến bay trước lăn ra đầu đường băng hoặc lăn vào sân đỗ mới thông đường. Theo quy định, nhiều chuyến bay không thể xuất phát cùng lúc mà phải cách nhau ít nhất 5 phút để bảo đảm an toàn.
Xe dù đại náo
Sáng 26-1, trên Quốc lộ 1 đoạn từ quận Thủ Đức, TP HCM hướng về miền Tây, hàng ngàn người đổ về quê bằng xe máy. Làn đường dành cho xe 2 bánh đông nghẹt, thường xuyên ùn ứ. Tại vòng xoay An Sương, từ sáng sớm đến trưa luôn có 3 chiến sĩ CSGT túc trực điều tiết giao thông.
Trên vỉa hè và các quán nước dọc tuyến đường này, rất đông hành khách chọn phương án đón xe dù ngoài bến để về quê. Những ngày này, hàng loạt xe dù được dịp đại náo.
Anh Nguyễn Văn Tài (quê Cà Mau) giải thích: “Do tôi làm gần ngã tư An Sương, nếu phải đón xe buýt đến bến mua vé thì bất tiện quá nên đứng đón trên đường. Năm nào, tôi cũng về quê như vậy nên quen rồi”. Khi chúng tôi hỏi: “Không sợ bị xe dù nhồi nhét sao?”, anh cho biết: “Đoạn đường ngắn nên cũng phải chấp nhận, về đến quê là vui rồi”.
Trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, TP HCM, rất nhiều xe dù loại 16 chỗ đi các TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang liên tục tấp vào đón khách. Trên đường Bình Long (quận Bình Tân), nhiều xe dù cũng tranh nhau rước khách.
Theo Đội Thanh tra giao thông số 8 Thanh tra Sở GTVT TP HCM, lực lượng này thường xuyên chốt chặn và xử lý xe dù, bến cóc quanh những điểm nóng trên nhiều tuyến đường ở 2 quận Bình Tân và Tân Phú. Từ ngày 9-12-2013 đến 24-1-2014, Đội Thanh tra giao thông số 8 đã xử phạt 76 xe dù vi phạm các lỗi không phù hiệu, đón khách sai quy định, lập điểm đón trả khách trái phép và vận chuyển khách không đúng hợp đồng… Những ngày giáp Tết, đội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát xe dù suốt ngày.
Bến xe chật cứng
Sáng 26-1, Bến xe Miền Đông đông nghẹt người về quê đón Tết. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, tuy khách đông nhưng bến không để xảy ra ùn ứ. Bến xe Miền Đông đã điều hơn 10 xe buýt có máy lạnh tăng cường cho các tuyến miền Trung. Khách đến bến là mua được vé đi ngay...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hàng ngàn người đã đến Bến xe Miền Đông từ sáng sớm để chờ lên xe. Tay bế con nhỏ, chị Vũ Thị Ngọc Yến (30 tuổi, quê Nghệ An) cho biết: “Vợ chồng tôi cùng quê Nghệ An, vào Bình Dương làm việc đã 3 năm. Mấy năm trước, do con mới sinh nên chúng tôi không tiện về quê. Dù chiều xe mới khởi hành nhưng chúng tôi tranh thủ đến sớm để tránh lỡ chuyến”.
Do lượng khách dồn về đông, trong khi xe quay đầu chậm nên rất nhiều người phải chờ khá lâu mới được lên xe. Căng thẳng nhất vẫn là các tuyến đi miền Trung. Anh Nguyễn Tính, quê Quảng Nam, bức xúc: “Lúc mua vé đã cực, ai ngờ khi chuẩn bị lên xe lại phải khổ thêm lần nữa. Tôi và vợ đến bến trước khi xe khởi hành 1 giờ, ai ngờ nhà xe thông báo phải chờ thêm 4 giờ xe mới về bến”.
Tại Bến xe Miền Đông, nhiều hãng đã dán thông báo “Xe đi trong ngày hết vé”. Tính đến ngày 26-1, lượng khách đi lại qua Bến xe Miền Đông có giảm hơn cùng kỳ năm trước 5%-10%, tức khoảng 1.000-2.000 lượt/ngày. Nguyên nhân là do được nghỉ dài ngày, nhiều người đã tranh thủ về quê sớm hơn.
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Tây, ngày 26-1, lượng khách đã đổ về tăng đột ngột. Theo dự kiến, khách sẽ tăng cao nhất vào các ngày 28 và 29 tháng chạp. Trong 2 ngày 25 và 26 tháng chạp, do lượng khách lên đến gần 100.000 lượt, Bến xe Miền Tây phải tăng cường gần 30 xe buýt để giải tỏa. Từ sáng, khu vực bán vé đã xảy ra tình trạng ùn ứ khách. Đến 10 giờ 30 phút, tình hình mới được cải thiện.
Một số tuyến đi An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Kiên Giang..., khách cũng phải chờ rất lâu do xe không quay đầu kịp. Chị Nguyễn Kim Thu, quê An Giang, than: “Tôi đến Bến xe Miền Tây từ lúc 5 giờ nhưng đến hơn 10 giờ mới có xe về quê. Khi tôi hỏi nhân viên quầy vé thì họ nói do kẹt xe, Tết phải thông cảm”... Hành khách ngồi chờ la liệt trong khu vực quầy bán vé. Nhiều người quá mệt mỏi đã chợp mắt tại chỗ.
Để tăng cường xe phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết, ông Trương Ngọc Thu, Phó Giám đốc Công ty Vận tải và Du lịch Phương Trang, cho biết từ ngày 24-1, công ty đã tăng cường và thay mới 100% xe cũ chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu. Theo ông Thu, giá vé tuyến này vẫn không thay đổi, ngoài ra còn giảm 10% cho hành khách mua vé khứ hồi.
Trên 30.000 người đổ về ga Sài Gòn mỗi ngày
Ông Thái Văn Truyền, Phó trưởng ga Sài Gòn, cho biết trong 10 ngày cao điểm Tết, mỗi ngày ga Sài Gòn có 17-19 đoàn tàu khởi hành, mỗi đoàn bình quân chở 900 hành khách. Như vậy, số khách đến ga Sài Gòn đi tàu mỗi ngày từ 15.000 đến 16.000 người. Ngoài ra, số người thân đến tiễn cũng tương đương lượng khách đi tàu nên nhà ga luôn đông nghẹt. Theo ông Truyền, trung bình cứ cách 1 giờ, ga Sài Gòn có 1 chuyến tàu khởi hành nhưng do công tác bố trí giờ mở cửa đón khách hợp lý nên không xảy ra ùn ứ khách.
Từ ngày 20 đến 26-1, ga Sài Gòn ghi nhận rất ít trường hợp hành khách trễ tàu như mọi năm. Ông Truyền khẳng định đối với những trường hợp trễ tàu, lãnh đạo ga đã linh động giải quyết cho hành khách đi trên những đoàn tàu kế tiếp nếu còn chỗ.
Theo ga Sài Gòn, trong ngày 29-1, sẽ có 3 đoàn tàu tăng cường chạy tuyến TP HCM - Đà Nẵng (D2), TP HCM - Tam Kỳ (SK2) và TP HCM -Quảng Ngãi (SQ2) để vận chuyển thêm hành khách về miền Trung. Q.Hiền
Bình luận (0)