Ngày 23-12, ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết tuyến đường huyết mạch nối từ xã Sơn Dung vào xã Sơn Long đã bị sạt lở nghiêm trọng gần 10 ngày qua khiến hơn 600 hộ dân xã Sơn Long bị cô lập.
Cáng võng người bệnh đi bộ 5 km
Tuyến đường vào trung tâm xã Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi đã bị sạt lở đất đá hơn chục ngày qua. Vì vậy, sáng 22-12, bà Hồ Thị Xuân (ngụ xã Trà Nham) bị bệnh nặng nên người nhà phải dùng võng cáng bà vượt hơn 5 km ra trung tâm huyện Tây Trà cấp cứu. Sau hơn 4 giờ thay nhau cáng võng, vượt qua rất nhiều bùn lầy, đất đá, người nhà mới đưa được bà Xuân vào trung tâm huyện.
Ông Hồ Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Trà Nham, cho biết hiện tuyến đường vào xã Trà Nham có hàng chục điểm sạt lở nặng nên xe cộ không thể lưu thông. “Việc lưu thông ra vào xã chỉ có thể đi bộ. Thực phẩm đang rất thiếu thốn do người dân bị cô lập nhiều ngày qua” - ông Nhân nói.
Trong khi đó, tại điểm sạt lở của tuyến đường nối từ xã Sơn Dung vào xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, nhiều công nhân đang hối hả san ủi hàng ngàn khối đất đá từ đỉnh núi đổ xuống chia cắt toàn bộ con đường.
Ông Đinh Văn Veo, công nhân tham gia khắc phục sạt lở, dự đoán nếu mưa lớn còn kéo dài thì phải gần 1 tuần nữa mới khắc phục xong điểm sạt lở.
Theo ông Đinh Văn Treo, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long, hơn 600 hộ dân với trên 2.100 nhân khẩu ở xã Sơn Long có nguy cơ thiếu ăn do giao thông bị ách tắc, người dân không thể đi mua gạo, mắm, muối.
Không chỉ tại xã Sơn Long, tuyến đường dẫn vào thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng cũng bị sạt lở. Một số nhà dân bị hư hỏng hoàn toàn, người dân phải ở tạm trong các lều trại.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ từ ngày 29-11 đến 16-12 đã làm sạt lở hàng trăm điểm trên các tuyến Quốc lộ 24, 24B và các tuyến đường liên xã với khối lượng hơn 20.000 m3 đất đá. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 500 tỉ đồng.
Hơn 1.500 người dân thiếu nước
Hàng ngàn người dân sống tại “ốc đảo” Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhiều ngày qua phải sống trong cảnh không có nước sạch để dùng. Toàn bộ đường ống nước sạch dẫn vào thôn bị 2 trận lũ liên tiếp vừa qua làm hư hại.
Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, xơ xác vì bị nước lũ ngập cách đây vài ngày, bà Lê Thị Ba (ngụ tổ 19, thôn Đông Bình) kể rằng 2 đợt lũ liên tiếp chỉ cách nhau hơn 1 tuần đã khiến toàn bộ giếng nước của bà con trong thôn bị nhiễm phèn, không thể uống được. Người dân muốn có nước sạch thì phải đi đò sang bên kia sông mua nước bình rồi tự gánh về nhà. Còn muốn giặt giũ hay tắm rửa thì chỉ còn cách ra sông lấy nước về dùng.
Do thiếu nước sạch, nhiều chủ tiệm tạp hóa đã tự ý nâng giá nước bình nhưng người dân muốn mua cũng phải xếp hàng từ lúc tờ mờ sáng.
Theo ông Lê Công Bình, Trưởng thôn Đông Bình, do con đập độc đạo nối thôn Đông Bình với thôn Hòa Mỹ bị lũ cuốn trôi nên người dân phải đi đò sang sông để đưa con em đi học và mua thực phẩm thiết yếu. Khoảng 350 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu của thôn hiện phải quay trở lại với cảnh “ốc đảo” do đường đã bị mất.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Sáu, Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, khẳng định: “Toàn bộ người dân thôn Đông Bình đang lâm vào cảnh không đường, không nước sạch. Chưa bao giờ người dân vùng này lại trải qua 2 đợt lũ lớn và liên tiếp như vừa qua”.
Ông Sáu cho biết hơn 3 năm nay, toàn bộ người dân thôn Đông Bình dùng nguồn nước sạch được nối từ một đường ống dẫn ngầm từ xã Duy Nghĩa qua sông Thu Bồn vào đến thôn. Do đường ống này bị lũ cuốn trôi nên người dân không có nước sạch để dùng. Chính quyền xã kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí sửa chữa đường ống dẫn nước sạch và tu bổ con đập dài hơn 270 m chạy qua thôn Đông Bình để người dân không phải chịu cảnh lụy đò.
Vụ lở núi: Trách nhiệm thuộc về địa phương
UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 23-12 đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thiệt hại và các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng trách nhiệm vụ lở núi ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang làm 4 người chết thuộc về chính quyền địa phương. Ông yêu cầu đánh giá lại tình trạng quản lý đô thị của chính quyền địa phương; bảo đảm không để xây nhà ở vùng nguy hiểm, không phép. UBND TP Nha Trang khẩn trương kiểm tra tình trạng khai thác đất núi ở xã Phước Đồng, xem xét vấn đề quản lý ở địa phương này, đồng thời đề xuất các phương án tái định cư phù hợp.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, trong 2 tháng 11 và 12, Khánh Hòa xảy ra 4 đợt mưa lũ làm chết 9 người; 356 nhà sập, hư hỏng… Tổng thiệt hại ước trên 816 tỉ đồng. K.Nam
Bình luận (0)