Saigon Pearl, một trong những khu nhà ở cao cấp tại TPHCM có mức phí cao ngất ngưởng. Ảnh: Xuân Thảo
Phí gửi xe: Gần 1 tỉ đồng (?!)
Bà Trịnh Thúy Mai khẳng định cư dân không đưa ra mức đóng phí quản lý 4.000 đồng/m2/tháng mà yêu cầu tạm thu theo Quyết định 4520 của UBND TP Hà Nội, cũng là điều mà Keangnam Vina đã ký kết với cư dân khi mua căn hộ. Ngay trong bản tạm kê các khoản chi do Keangnam gửi cho các hộ dân đã có rất nhiều chi phí vô lý, như chi cho nước uống công cộng trong 3 tháng: 4+5+6 là 151.524.000 đồng (nước uống cho nhân viên quản lý đã được tính riêng) nhưng không một cư dân nào nhìn thấy có bình nước công cộng ở đâu. Hoặc tiền thuê máy photocopy, mua nước uống của 3 tháng này cũng lên tới 787.481.528 đồng, trong khi chi phí điện, nước cung cấp cho cả hai tòa nhà là 699.122.173 đồng… “Một hộ gia đình sinh sống tại Keangnam mà chi phí trong tháng hơn 2 triệu đồng tiền phí dịch vụ, 3 triệu đồng tiền gửi xe, chưa kể tiền điện, nước… là quá cao”- bà Mai nói.
Còn tại chung cư Golden Westlake (Ba Đình, Hà Nội), chủ đầu tư là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đưa ra 2 hình thức thuê bãi đỗ xe trả tiền ngắn hạn và đóng một lần trong thời hạn 38 năm. Nếu tính theo tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1 triệu đồng. Nếu thuê dài hạn, cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm. Ông Tô Hồng Sơn, ban đại diện cư dân Golden Westlake, khẳng định việc chủ đầu tư đưa ra 2 phương án thu tiền chẳng khác nào ép khách hàng. Nếu đem số tiền 800 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm với lãi suất 14%/năm thì cư dân sẽ nhận được 112 triệu đồng/năm, tương đương với hơn 9 triệu đồng/tháng.
Tại chung cư Kinh Đô, ngoài phí gửi xe vượt trần so với quy định của TP Hà Nội, từ khi cư dân về sinh sống, chủ đầu tư đã thu 5.000 đồng/m3 nước sạch và sau đó lại tiếp tục tăng lên 6.000 đồng/m3, trong khi giá nước sạch theo quy định của Nhà nước ở thời điểm đó chỉ 2.800 đồng/m3. Khi người dân thắc mắc vì sao thu quá cao thì chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô lấy lý do tòa nhà mới sử dụng nên chưa tách được khối văn phòng với khối nhà ở, tạm thời nộp ở mức đó, khi nào tách được sẽ trả lại tiền cho người dân theo đúng mức giá của Nhà nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chủ đầu tư vẫn lờ tịt việc hoàn trả tiền cho người dân.
“Ngâm cứu” rồi để đó
Ngay từ cuối năm 2009, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 37/BXD hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư. Theo thông tư này, giá dịch vụ nhà chung cư được thu chi theo nguyên tắc tự thu, tự trang trải và công khai nhưng phải phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của từng địa phương, thu nhập của người dân từng thời kỳ và được trên 50% các thành viên trong ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín… Thông tư còn đưa ra công thức xác định giá dịch vụ nhà chung cư nhưng đa số chủ đầu tư không tuân thủ và đều đơn phương đưa ra mức giá “ép” dân.
Qua khảo sát của phóng viên, hiện nay, phí quản lý chung cư cao cấp ở mức thấp nhất tại TPHCM là các dự án chung cư Hoàng Anh Gia Lai 1, 2, 3 nằm ở quận 7 và huyện Nhà Bè; các chung cư của khu đô thị Phú Mỹ Hưng - đều khoảng 3.500 đồng/m2/tháng. Trong khi đó, dù nằm ở quận Thủ Đức-TPHCM song chung cư 4S Riverside Garden do Công ty Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư lại có phí dịch vụ lên đến 5.500 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, mức giá ở trên không thấm vào đâu so với khu Saigon Pearl do Công ty SSG làm chủ đầu tư. Ngoài các phí gửi xe tầng hầm, phí gửi xe trên vỉa hè và dưới lòng đường, phí dịch vụ đều quá cao, mới đây, ban quản lý còn đưa ra mức phí quản lý lên 14.462 đồng/m2/tháng (tỉ giá tại ngày 10-5 là 20.660 đồng/USD)…
Cẩn trọng trước khi ký hợp đồng Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, cho biết: Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình kinh tế để ban hành giá trần cho các chung cư mà không có thỏa thuận với người dân. Giá trần dịch vụ không áp dụng cho tất cả các trường hợp chung cư trên toàn địa bàn mà chỉ những dự án ký hợp đồng mua bán nhà nhưng trong hợp đồng không thể hiện chi tiết về giá và các loại dịch vụ. Còn những dự án nào xây dựng sau khi Nghị định 71/CP ban hành ngày 23-6-2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì phải thực hiện theo quy định (thỏa thuận chi tiết trong hợp đồng mua bán - PV). Ông Hà cho rằng người mua nhà phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, trong hợp đồng cần thể hiện rõ các cam kết của chủ đầu tư, thậm chí phải ràng buộc cả việc vận hành các dịch vụ hết sức cụ thể để tránh thiệt hại sau này khi xảy ra tranh chấp.
T.Thắng |
Bình luận (0)