Ngày 2-7, một nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận được đơn kiến nghị khẩn cấp sớm đưa vụ án dùng nhục hình ở Phú Yên ra xét xử phúc thẩm của 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại trong vụ án này
Vi phạm tố tụng hình sự
Vụ án xảy ra vào ngày 13-5-2012. Ngô Thanh Kiều (SN 1982; ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là nghi can trong một vụ trộm cắp nên bị Công an TP Tuy Hòa bắt. Trong quá trình hỏi cung, một số cán bộ Công an TP Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên đã thay nhau đánh Kiều tử vong.
Vụ án được TAND TP Tuy Hòa đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 26-3 đến 3-4-2014. Cho rằng bản án thiếu công minh còn lọt người, lọt tội, cả gia đình bị hại lẫn bị cáo làm đơn kháng cáo. VKSND tỉnh Phú Yên cũng kháng nghị phúc thẩm. Ngày 8-7-2014, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm vụ án và tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Từ ngày 7 đến 15-4-2015, TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2. Lần này, gia đình bị hại và bị cáo lại tiếp tục kháng cáo. Ngày 29-5-2015, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý vụ án. Thế nhưng sau hai lần mở, phiên tòa đều bị hoãn.
“Từ ngày hoãn phiên tòa lần hai đến nay đã hơn 7 tháng nhưng không hiểu sao TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Điều này đã vi phạm Luật Tố tụng hình sự về thời hạn xét xử phúc thẩm?” - luật sư Nguyễn Hồng Hà, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình Ngô Thanh Kiều, đặt vấn đề. Với việc liên tục hoãn xét xử, cả gia đình bị hại và bị cáo đều mệt mỏi. Mẹ của Nguyễn Thanh Kiều đang bệnh nặng và mong sớm xét xử đòi lại công bằng cho con mình.
Chờ xử đến khi... qua đời
Một vụ án gây bức xúc dư luận không kém là vụ Hứa Văn Trường (SN 1987; ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) bị bắt để làm rõ hành vi trộm cắp tài sản, hiếp dâm trẻ em và giết chết cháu Lương Thị Tiên (SN 2003; ngụ huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 11-5-2008.
Ngày 29-6-2009, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm và cũng bắt đầu từ đây, Trường một mực kêu oan mình không giết người và bị bức cung. HĐXX vẫn tuyên Trường 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, tử hình về tội giết người.
Ngày 23-9-2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa và hủy án sơ thẩm đối với tội trộm cắp tài sản nhưng vẫn giữ nguyên tội giết người. Trường tiếp tục làm đơn kêu oan. Ngày 22-12-2009, TAND Tối cao có văn bản trả lời tòa sơ thẩm và phúc thẩm về việc kết án tội giết người đối với Trường là có căn cứ, không oan. Tuy nhiên, ngày 5-5-2014, cũng chính TAND Tối cao lại có kháng nghị bản án, phân tích nhiều điểm bất hợp lý, mâu thuẫn trong quá trình điều tra, truy tố đối với Trường và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án.
Đến ngày 8-10-2014, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên giám đốc thẩm và phân tích nhiều vấn đề như: Biên bản lấy lời khai vào ngày 11-5-2008 thì Trường ghi trong quá trình khai báo có cán bộ kiểm sát nhưng phần ký tên lại không có kiểm sát viên; mâu thuẫn trong lời khai về vật chứng, địa điểm phạm tội, cách gây án... Riêng việc hiếp dâm, HĐXX nhận định Trường có 5 lời khai nhận đã thực hiện thành công hành vi này. Tuy nhiên, cơ quan pháp y lại kết luận cháu Tiên không bị rách màng trinh, không thu tinh trùng để xét nghiệm... VKS đã hủy bản án chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao điều tra lại.
Ngày 27-6-2016, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm nhưng phải tạm hoãn vì thiếu nhiều nhân chứng.
Bà Trương Thị Lở (mẹ cháu Tiên) bức xúc: Con gái mới 5 tuổi bị sát hại nhưng hơn 8 năm qua vẫn chưa kết tội được hung thủ. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng cũng chừng ấy năm gia đình phải tất bật đi lại không nhớ nổi là mấy trăm lần để phục vụ điều tra, xét xử. “Tháng 9-2015, sau nhiều năm theo đuổi vụ án, do cuộc sống quá vất vả, buồn phiền, nên chồng tôi đau ốm không có tiền chữa trị đã qua đời. Giờ một mình tôi nuôi 3 con nhỏ, lại bệnh tật, nợ nần chồng chất nên không biết sẽ sống thế nào. Mỗi lúc có giấy mời của tòa hoặc cơ quan công an tôi lại mất ăn mất ngủ...” - bà Lở nói.
Hoãn xét xử vì... trở tay không kịp
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội - cho rằng về nguyên tắc cũng như tâm lý, tòa không bao giờ muốn hoãn. Mỗi phiên tòa phải có một hội đồng xét xử, mỗi vụ án phải lên lịch rất nhiều ngày, liên quan đến nhiều con người.
Tuy nhiên, các đương sự có nhiều lý do để đề nghị hoãn phiên tòa. Thường là bị cáo hay xin hoãn bởi các lý do liên quan đến nhận thức pháp luật, dù khi tòa án tống đạt quyết định xét xử đã phổ biến quyền và nghĩa vụ đầy đủ của bị cáo. Đến gần ngày xét xử, đương sự mới mời luật sư để bảo đảm quyền của mình nên phải hoãn để các bên nghiên cứu hồ sơ. Cả luật sư và tòa đều trở tay không kịp và có đến 90% vụ án bị hoãn xét xử vì lý do trên. Dù nguyên nhân này đã được nhìn thấy từ lâu nhưng rất khó giải quyết, vì liên quan đến cả quá trình nhận thức pháp luật, xã hội của người dân.
Đối với vấn đề đương sự liên quan, người làm chứng cố tình tránh mặt để phiên tòa không diễn ra, ông Trương Việt Toàn cho biết việc này hiện nay đã được khắc phục. “Đối với những vụ án đặc biệt quan trọng, bắt buộc phải phải có người làm chứng thì tòa phải có biện pháp dẫn giải nhân chứng” - ông Toàn khẳng định.
Xin hoãn để chờ... luật mới
Theo ông Trương Việt Toàn, gần đây có một hiện tượng khá phổ biến là lách luật. Từ ngày 1-7, Bộ Luật Hình sự mới có hiệu lực thi hành (nay đã được lùi hiệu lực thi hành). Nhiều bị can, bị cáo không hiểu hết được bộ luật nên thường bàn với nhau tìm cách hoãn xét xử qua sau thời gian này để được hưởng nhiều khoan hồng.
“Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết là các bị can tuyên truyền với nhau từ ngày 1-7, tòa áp dụng luật mới thì sẽ được xử nhẹ đi. Chỉ gần đây, tình trạng này mới phổ biến, song các bị can không nhận thức được rằng đối với hành vi phạm tội ở thời điểm nào thì áp dụng luật ở thời điểm đó, trừ một số tình tiết giảm nhẹ có thể được áp dụng theo luật mới” - ông Trương Việt Toàn phân tích.
Luật sư Nguyễn Bảo Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội:
Phải quy trách nhiệm rõ ràng
Việc hoãn phiên tòa gây rất nhiều phiền hà cho cả tòa án, VKS, luật sư cũng như các bên liên quan. Khi lên lịch cho một vụ án bị hoãn, mọi khâu chuẩn bị phải làm lại từ đầu. Cần quy trách nhiệm rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, có những phương án dự phòng nếu đương sự vắng mặt. Nếu nhận thấy việc đề nghị hoãn là cố tình thì thẩm phán nên mạnh dạn bác bỏ. Trong một số phiên tòa, đôi khi người bị hại cũng quá mệt mỏi vì hoãn nhiều quá, đến mức họ không muốn theo đuổi vụ kiện nữa.
Ông Vũ Xuân Hải, nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Phú Yên:
Cần áp giải nhân chứng
Việc hoãn phiên tòa thường có nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp nhất là do vắng mặt nhân chứng. Người làm chứng có khi lo sợ hoặc không thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi ra tòa làm chứng, trong khi người xét xử đôi lúc lại du di, cả nể. Theo quan điểm của tôi, đối với các nhân chứng ít quan trọng không ra tòa thì có thể xử vắng mặt. Còn đối với những nhân chứng quan trọng không chịu ra tòa thì buộc phải thực hiện việc áp giải để phiên tòa xét xử được khách quan, công minh, tránh phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần.
N.Quyết - H.Ánh ghi
Bình luận (0)