Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội, đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã đề xuất quy định buộc các chủ ô tô phải mở tài khoản (TK) ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông.
Thuận tiện khi xử phạt
Theo đại tá Đào Thanh Hải, thời gian qua, dù việc phạt nguội qua hệ thống camera đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn không ít khó khăn vì nhiều xe chưa sang tên chính chủ nên rất khó truy tìm chủ xe. Vì vậy, đề nghị Cục CSGT (C67) tham mưu cho Bộ Công an kiến nghị Chính phủ quy định khi đăng ký ô tô phải có TK ngân hàng.
Nói rõ hơn về vấn đề này, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng PC67 - Công an TP Hà Nội, cho biết việc bắt buộc mỗi chủ ô tô phải có TK ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông. Khi có TK, các lái xe phải có ý thức cao hơn. Với người sở hữu ô tô, có 10-20 triệu đồng trong TK không phải là điều quá khó khăn.
“Xử phạt qua TK ngân hàng không chỉ thuận tiện cho người vi phạm mà thuận tiện cho cả lực lượng CSGT. Ngoài ra, việc này cũng bắt buộc người bán xe phải sang tên, đổi chủ cho người mua xe, vì nếu không sẽ bị trừ tiền “oan” vào TK của mình” - thiếu tá Hùng phân tích.
Ủng hộ đề xuất trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc mở TK xử phạt sẽ tạo ra sự minh bạch, xóa tình trạng tiêu cực khi người vi phạm thỏa thuận với CSGT và tránh cả tình trạng xin xỏ của người vi phạm. “Tuy nhiên, nếu mở TK thì số tiền trong TK phải tương đương hoặc cao hơn mức phạt cao nhất của hành vi vi phạm giao thông. Đối với một doanh nghiệp kinh doanh vận tải lớn thì số tiền phải bỏ ra để mở TK sẽ rất nhiều” - ông Liên phân tích.
Chờ quy định thanh toán qua tài khoản
Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng - đơn vị sở hữu hàng ngàn taxi, xe khách đang hoạt động, việc này làm cho chủ phương tiện không mất thời gian trong quá trình xử lý vi phạm; người tham gia giao thông tự giác hơn. Tuy nhiên, nếu làm phải đồng bộ và chỉ để một hình thức xử lý qua tài khoản, hạn chế các trạm kiểm soát trên đường và tăng cường các phương tiện ghi hình.
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết đây không phải vấn đề mới mà đã từng đặt ra nhưng chưa có điều kiện để áp dụng. Các nước khác đã áp dụng việc xử phạt vi phạm giao thông qua TK từ lâu. Khi áp dụng quy định này sẽ có nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc xử phạt nguội qua hình ảnh và ngăn chặn các hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, đề xuất mới chắc chắn sẽ có hàng loạt vấn đề phát sinh. Ví dụ, những doanh nghiệp có hàng ngàn ô tô, mỗi xe một TK thì tổng cộng số tiền rất lớn. Các ngân hàng, kho bạc quản lý TK có quy trình xử lý như thế nào, các cá nhân có xe thực hiện ra sao? Đối với ô tô thì được nhưng xe máy có áp dụng không?...
Chưa phù hợp vì… toàn sử dụng tiền mặt
Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng phần lớn người dân hiện nay tiêu tiền mặt, không dùng TK nên đề xuất trên không phù hợp. Muốn thực hiện điều này, cần đợi cho tới lúc người dân có thói quen tiêu tiền qua TK hoặc pháp luật quy định thanh toán qua TK.
Trong một xã hội người dân đang quen sử dụng tiền mặt, chưa có chế tài sử dụng TK cho các giao dịch thương mại hoặc dân sự thì việc xử lý vi phạm bằng tiền mặt là chuyện bình thường. Việc mở TK hiện nay phục vụ cho giao dịch dân sự chứ không phải cho xử phạt hành chính.
Bình luận (0)