Dự kiến hôm nay (13-10), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi họp báo để nói rõ chủ trương cho phép Công ty TNHH Thép Việt Pháp xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Việt Pháp ở thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Nhiều nỗi lo
Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy nằm cạnh Quốc lộ 14B, cách sông Thạnh Mỹ (một nhánh của sông Vu Gia) hơn 1 km.
Theo ông Bnướch Sơn, trưởng thôn Hoa, khu vực dự kiến xây nhà máy có hơn 20 hộ bị ảnh hưởng thuộc diện phải di dời, còn lại gần 100 hộ khác ở cách đó khoảng 1 km. Nếu nhà máy hoạt động, nguồn nước thải chảy theo khe suối và đổ ra sông Vu Gia.
Trưởng thôn Hoa cho biết ngày 7-9, lãnh đạo huyện Nam Giang cùng lãnh đạo thị trấn Thạnh Mỹ và Công ty TNHH Thép Việt Pháp có mời bà con thôn Hoa dự họp. Tại cuộc họp, phía công ty cho hay mức độ ảnh hưởng khói bụi chỉ trong bán kính 500 m, nước thải được xử lý nên không gây ô nhiễm. Tuy nhiên, người dân tỏ ra rất lo nhà máy sẽ thải khí, bụi nên không chấp nhận.
Bên cạnh sự lo lắng về ô nhiễm, nhiều người dân còn lo đất sản xuất bị thu hồi để nhường cho nhà máy. Khu đất này đẹp nhất nhì vùng Thạnh Mỹ vì vừa gần Quốc lộ 14B vừa bằng phẳng, không có đá.
Ông ALăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, khẳng định huyện không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường. Tuy nhiên, việc lãnh đạo TP Đà Nẵng vừa qua bày tỏ lo lắng nhà máy nằm ở lưu vực sông Vu Gia nên đã có công văn gửi tỉnh Quảng Nam là chính đáng. “Không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả vùng hạ lưu thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng phải hiểu rõ bản chất nhà máy thép Việt Pháp không như Formosa Hà Tĩnh” - ông Mai nói.
Hai năm, đóng hơn 15 triệu đồng tiền thuế
Việc người dân thôn Hoa lo ngại là có lý bởi nhà máy thép của Công ty TNHH Thép Việt Pháp đang hoạt động ở thị xã Điện Bàn là một minh chứng. Dù theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, kết quả quan trắc cho thấy các thông số ở nhà máy thép nằm trong giới hạn cho phép nhưng người dân địa phương lại liên tục phản đối vì ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn.
Đáng chú ý, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, nhà máy thép tại thôn Hoa công suất lên đến 180.000 tấn/năm, được phép nhập phế liệu từ nước ngoài về chế biến nên hết sức lo ngại nhập phải sắt thép nhiễm phóng xạ.
Trả lời báo chí mới đây, ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết ở Việt Nam, việc giám sát phóng xạ của các loại sắt thép được nhập khẩu để tái chế rất ít. Nếu chẳng may sắt thép ở vùng nhiễm phóng xạ như Fukushima (nơi xảy ra thảm họa phóng xạ năm 2011 ở Nhật Bản) vào Việt Nam, được tái chế rồi dùng xây dựng nhà ở thì rất nguy hiểm, có thể phải phá bỏ cả tòa nhà, rất tốn kém và phức tạp, nghiêm trọng nhất là người dân ở các tòa nhà đó có thể bị ảnh hưởng phóng xạ.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cũng đã không thống nhất xây dựng nhà máy này ở thượng nguồn, lại sát quốc lộ là nơi nhiều hộ dân sinh sống nên cần xem xét đến mức độ ảnh hưởng, ô nhiễm. Hơn nữa, địa điểm đặt dự án chưa nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp của tỉnh; hiệu quả giải quyết lao động, đóng góp cho ngân sách không đáng kể bởi nhà máy hiện tại ở thị xã Điện Bàn trong 2 năm chỉ đóng hơn 15 triệu đồng tiền thuế.
Không đơn giản
TS Quách Tất Bát - quyền Trưởng Khoa Luyện kim Trường CĐ Cơ khí luyện kim Thái Nguyên - cho biết có 2 công nghệ luyện thép, cụ thể từ quặng sắt luyện ra gang lỏng rồi đưa vào lò thổi luyện ra thép hoặc từ sắt thép phế liệu đưa vào lò nấu luyện ra phôi thép. Sử dụng công nghệ từ sắt thép phế liệu vẫn có yếu tố độc hại môi trường vì tất cả thiết bị đều được làm nguội bằng nước và các kim loại ở nhiệt độ cao sẽ phân ra ion. Việc xử lý phức tạp chứ không đơn giản và tuyệt đối không được xả thẳng ra môi trường. Có thể nhà máy sẽ sử dụng nước thải để tuần hoàn trong nhà máy và sau một thời gian thì bay hơi. Tuy nhiên, sẽ có lượng nước thải thẩm thấu qua đất vào mạch nước ngầm. Nếu người dân dùng nước ngầm không qua xử lý sẽ bị ảnh hưởng.
“Dù sử dụng công nghệ nào, nếu nhà máy thép không xử lý môi trường tốt thì không khí sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân” - TS Bát khẳng định.
Xây nhà máy trái phép trên đất nông nghiệp
Ngày 12-10, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc trước việc Công ty TNHH MTV DaNang Plastic (Công ty Plastic) xây nhà máy sản xuất trái phép ở thị xã Điện Bàn. Bên cạnh đó, UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo các bộ phận chức năng yêu cầu Công ty Plastic dừng ngay việc thi công để thực hiện các thủ tục đầu tư đúng trình tự; chủ trì họp với các ngành chức năng để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao, báo cáo trước ngày 20-10.
Trước đó, các ngành chức năng phát hiện dù chưa có bất kỳ giấy tờ gì nhưng Công ty Plastic đã xây dựng gần hoàn thiện nhà máy trên diện tích 1,8 ha đất nông nghiệp và không nằm trong danh mục công trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như kế hoạch sử dụng đất.
Cần công khai thông tin
Trước thông tin tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng nhà máy thép ở huyện Nam Giang, ngày 12-10, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết chưa nhận được công văn của tỉnh Quảng Nam phản hồi về việc Đà Nẵng đề nghị cung cấp thông tin dự án này. “Dự án như thế nào thì cần công khai thông tin để người dân vùng hạ lưu sông Vu Gia, trong đó có Đà Nẵng, được rõ” - ông Thơ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, cho rằng nhà máy thuộc ngành công nghiệp nặng thì không thể là công nghiệp sạch và chắc chắn có ảnh hưởng môi trường.
Bình luận (0)