xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khoác áo dân quân tự vệ

Bài và ảnh: LÊ KHẢI

Hình ảnh những cô gái trẻ khoác lên mình màu áo xanh dân quân tự vệ lâu nay đã tạo sự gần gũi, tin yêu trong lòng người dân tỉnh Hậu Giang. Với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, khát vọng cống hiến, họ đã góp phần mang lại sự bình yên, sự thay da đổi thịt cho quê nhà

Để gia nhập đội ngũ dân quân tự vệ, cách nay không lâu, cứ đúng 6 giờ, những dân quân “tóc dài” đã có mặt tại thao trường trong trang phục chỉnh tề để sẵn sàng cho cuộc khổ luyện.


Phái yếu... mạnh mẽ


Mười hai gương mặt vận động viên gạo cội nhất tuyển chọn từ các đội nữ dân quân thuộc các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được chia làm hai tiểu đội để tham gia tranh tài các môn quân sự phối hợp như: chạy vũ trang, ném lựu đạn, bắn súng và võ thuật biểu diễn.

Chỉ vài pha biểu diễn, quần áo của các chị đã lấm lem đất cát. Sau một đường quyền, họ dừng lại nghe huấn luyện viên, chỉnh sửa những động tác chưa đẹp. Cứ thế, họ say sưa tập luyện, quên hẳn những mệt nhọc, những cú ngã đau ê ẩm người. Thỉnh thoảng lại có những câu pha trò làm cả đội cười giòn giã.

img
Tập luyện mệt nhọc nhưng bao giờ họ cũng ca hát, vui đùa


Phía bên kia con đường nhựa, bốn nữ vận động viên không chuyên trong bộ trang phục dân quân tự vệ cũng đang dốc sức cho những bước chạy cuối cùng sau đoạn đường dài 1.500 m. Nữ dân quân Nguyễn Thị Bích Ngân thở hổn hển nói: “Phải tăng tốc và bứt phá hơn nữa, chứ chạy như vầy chắc chắn sẽ bị bỏ rơi trong cuộc tranh tài sắp tới”. Kéo nón lau nhanh những giọt mồ hôi trên trán, họ lại bắt đầu vòng chạy mới với quyết tâm rút ngắn thời gian hơn nữa.


Còn nhớ, lần đầu tiên những “tiểu thư” này ra sân tập, họ còn mang lỉnh kỉnh khẩu trang, bao tay, kem chống nắng..., chỉ cần chạy một vòng sân là mình mẩy đau nhức ê ẩm cả tuần, mất ăn, mất ngủ, có người khóc nhè tại thao trường. Vậy mà giờ đây, ai cũng rắn rỏi, sẵn sàng cho cuộc thi tài sắp tới.


Những chiến công thầm lặng


Thật khó hình dung hết được những khó khăn, gian khổ trong công việc, nhiệm vụ của người nữ dân quân. Để gia đình đồng ý cho họ tham gia dân quân tự vệ là chuyện khó như... lên trời. Chẳng cha mẹ nào muốn để những cô “con gái rượu” của mình ban ngày dầm mưa dãi nắng nơi thao trường, đêm khuya rong ruổi trên những nẻo đường tuần tra, tất bật với công tác xã hội.

Họ đã quen nghĩ công việc này chỉ dành cho những thanh niên trai tráng khỏe mạnh. “Thuyết phục được cha mẹ cho gia nhập lực lượng dân quân là chiến công đầu tiên của tụi em rồi” - Hoàng Thúy Hằng, người đã gần 5 năm khoác áo dân quân tại phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, kể.

Cô đang công tác tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi thị xã Ngã Bảy, thu nhập ổn định. Đêm nào mấy anh dân quân đi tuần, Thúy Hằng cũng đi cùng. Khi thì giải tán những đám thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá, khi thì giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông... Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng đối với riêng cô, đó là những chiến công thật lớn.

img
Ai bảo nữ dân quân tự vệ yếu đuối?!


Mười hai cô gái dân quân tôi gặp đều đã có việc làm ổn định, như dạy học, nhân viên văn thư văn phòng UBND phường - xã, bí thư xã đoàn. Tuổi đời của họ còn rất trẻ và toàn là “lính phòng không”.


Do số lượng hạn chế nên những phong trào xã hội của họ thường gắn liền với các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương. Họ cùng chăm sóc những bà mẹ VN anh hùng; cùng sửa sang nhà cửa cho các mẹ, cùng nhân dân đắp đường, trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, tuyên truyền luật giao thông, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy...


Trung tá Lê Văn Hoàng, Phó Chỉ huy trưởng tham mưu Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Nhiều năm qua, những nữ dân quân tự vệ đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội nơi địa bàn họ đang sinh sống, làm việc. Khó mà kể hết những việc làm đầy ý nghĩa của họ. Đó được ví như những chiến công thầm lặng”.


Những cuộc tranh tài sôi nổi, hào hứng tại hội thao sẽ đến, rồi cũng sẽ qua đi rất nhanh. Chia tay nhau, họ lại trở về với công việc thường ngày. Cuộc sống tiếp tục chờ đón, thử thách họ... “Khi nào có chồng, có thể tụi em sẽ rời công việc này nhưng sẽ động viên, khích lệ đàn em tiếp bước” - một nữ dân quân trẻ mỉm cười, nói với tôi như vậy trước giờ chia tay.

Ước mơ bình dị

Cũng như bao người con gái khác, ở tuổi đôi mươi, những nữ dân quân tự vệ vẫn luôn khao khát vun đắp cho mình một mái ấm gia đình. Mơ ước ấy thật bình dị, nhỏ nhoi nhưng không dễ thành hiện thực. Dù vậy, họ vẫn luôn vững tin mình sẽ có được ngày vui. Nhiều cô đã chọn cho mình con đường vừa học vừa làm để vun vén cho cuộc sống sau này. Nữ dân quân Lâm Thành Ngọc Tú, hiện là giáo viên của Trường Tiểu học Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, vừa dạy học vừa theo học lớp đại học tại chức chuyên ngành cử nhân tiểu học. Còn Lê Thị Thùy Vân đang công tác tại Văn phòng Đảng ủy phường 1, thị xã Vị Thanh nay đã học đến năm thứ hai ngành luật... 

Vừa đi làm vừa đi học và lại luôn có mặt đầy đủ trong các phong trào hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, những nữ dân quân ấy cũng có lúc thấy mình đuối sức. Không biết bao lần, các cô muốn trút bỏ hẳn chiếc áo dân quân để dành hết thời gian cho bản thân, gia đình. “Mỗi lần làm được điều gì đó có ích cho xã hội cũng chính là lúc tụi em tích góp, vun vén hạnh phúc cho riêng mình” – Vân nói. Suy nghĩ ấy đã là động lực, niềm tin thúc giục đội quân tóc dài này tiếp tục cống hiến.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo