Tại cuộc họp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, làm rõ các thông tin về việc xây dựng các tuyến đường sắt mới, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam để công khai cho nhân dân biết. Nếu cần thiết có thể sẽ công bố công khai để người dân góp ý; phấn đấu trước năm 2020 sẽ trình Quốc hội chủ trương xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đường sắt Bắc - Nam đang được hiện đại hóa, nâng tốc độ khai thác từ 60 km/giờ lên khoảng 90 km/giờ, đồng thời sẽ xây dựng một đường sắt đôi khổ 1.435 mm các đoạn tuyến mới, tốc độ thiết kế khoảng từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ. “Chúng tôi sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư, chọn đầu tư tuyến đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn TP HCM - Nha Trang trước, khi điều kiện kinh tế cho phép sẽ kết nối để làm sao phát triển đồng bộ giữa các phương thức vận tải với nhau” - ông Thăng nói.
Trước đó, ngày 10-2, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam để đạt tốc độ bình quân 80-90 km/giờ đối với tàu khách và 50-60 km/giờ đối với tàu hàng; nâng cấp các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn; đầu tư, nâng cấp, cải tạo các nhà ga trọng điểm, ga có lượng hành khách lớn; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn.
Đối với đường sắt xây dựng mới, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao với đường đôi khổ 1.435 mm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP HCM...; từ năm 2020 đến 2030, xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ) đường đôi khổ 1.435 mm và điện khí hóa, hạ tầng tuyến để có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai.
Sẽ ban hành cơ chế đặc thù
Về huy động nguồn vốn, theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; ưu tiên nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của chính phủ các nước và các nhà tài trợ quốc tế; phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt quốc gia huyết mạch trọng yếu, các tuyến đường sắt đô thị. Ngoài ra, ban hành cơ chế đặc thù để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt.
Bình luận (0)