Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc hợp tác bảo vệ môi trường trong ASEAN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những năm qua, hợp tác về bảo vệ môi trường cùng với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng được tăng cường. Nhóm đặc nhiệm đa quốc gia ASEAN đang nỗ lực phối hợp với các đối tác trong và ngoài khu vực dập tắt cháy rừng và ngăn ngừa lan truyền khói bụi từ Indonesia. “Nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với mỗi quốc gia chúng ta là phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng hội nghị các Bộ trưởng Môi trường ASEAN sẽ đề ra kế hoạch hợp tác thiết thực nhằm bảo đảm bền vững môi trường
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở một số khu vực thành thị, nông thôn, KCN và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững… Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, trung bình GDP tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng hội nghị các Bộ trưởng Môi trường ASEAN và các đối tác ASEAN+3 lần này sẽ đề ra định hướng và những chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, thiết thực nhằm bảo đảm bền vững môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh Đông Nam Á gặp phải tình trạng khủng hoảng như vấn đề suy thoái môi trường cũng như những tác động đối với các hệ thống duy trì đời sống người dân.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định trong hội nghị trù bị cho hội nghị các nước thành viên Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11 (COP 11) diễn ra trong ngày 27 và 28-10, vấn đề ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đã được đề cập rất nhiều với sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên. “Chắc chắn ngày 29-10, COP 11 sẽ ra một tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề này để ngăn chặn một cách có hiệu quả, hướng tới mục đích theo đúng như Hiệp định về khói mù xuyên biên giới của các nước ASEAN là đến năm 2020 sẽ không còn khói mù do cháy rừng xảy ra tại các nước ASEAN” - ông Ngãi nói.
Cần xử phạt hành vi gây cháy rừng
Trước ý kiến cho rằng cần có cơ chế trừng phạt công ty gây ra cháy rừng ở Indonesia, ông Nguyễn Bá Ngãi cho biết các lãnh đạo cấp cao ngành môi trường của ASEAN tại hội nghị trù bị đã đề cập đến vấn đề này. Tại COP 11 vào ngày 29-10, chắc chắn sẽ đệ trình lên bộ trưởng các nước về khói mù xuyên biên giới rằng trước hết các nước phải thực thi pháp luật về vấn đề này, xử phạt hành chính, thậm chí có những biện pháp về mặt pháp luật ở mỗi quốc gia.
Bình luận (0)