Nhằm bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị hình sự hóa đối với hành vi cố tình chở hàng quá tải trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết đây là nội dung đề xuất của tổng cục gửi Bộ Giao thông Vận tải trong văn bản góp ý Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Phá hoại tài sản quốc gia
Theo số liệu từ phần mềm kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ, từ ngày 1-4-2014 đến 31-12-2014, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động của 63 địa phương và 2 trạm cố định là Dầu Giây, Quảng Ninh đã kiểm tra hơn 430.000 lượt xe, phát hiện hơn 57.000 trường hợp vi phạm.
Theo ông Huyện, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng. Nhiều xe chở vượt đến 100%-200% tải trọng cho phép. Đã có rất nhiều nhà xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm. Những tuyến đường có xe quá tải trọng đi qua đã hư hỏng nghiêm trọng. “Với hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt hành chính nhưng tái phạm thì cần xem xét xử lý hình sự” - ông Huyện đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, khẳng định ủng hộ kiến nghị của Tổng cục Đường bộ về xử lý hình sự đối với hành vi cố tình chở quá tải trọng cho phép và tái phạm. Theo ông Thanh, những hành vi cố tình chở quá tải phải coi là phá hoại tài sản quốc gia, do vậy cần khởi tố thì mới đủ sức răn đe.
“Phải làm quyết liệt chứ nếu du di, xử lý hành chính rồi cho qua thì sẽ phát sinh tiêu cực trong hoạt động vận tải” - ông Thanh nói. Ông Thanh cũng đề nghị cần phải giám sát lực lượng thực thi công vụ để bảo đảm tính nghiêm minh và tránh những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực có thể xảy ra.
Để xóa bỏ tình trạng xe quá tải trọng, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đề xuất nên áp dụng hình thức xử phạt nặng, xử phạt lũy tiến theo lượng hàng quá tải và đoạn đường đã lưu hành cho đến khi bị phát hiện.
Cần truy cứu “chủ mưu”
Theo luật sư Thái Văn Chung - Giám đốc Công ty Luật Nguyên Giáp, đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM - tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép đã để lại hậu quả nặng nề về mặt kinh tế - xã hội, làm méo mó thị trường vận tải hàng hóa, làm gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Vì thế, đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng cố ý tổ chức cho xe chở hàng quá tải của Tổng cục Đường bộ là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Chung, ngoài tài xế, cần truy cứu trách nhiệm hình sự cả chủ hàng, người xếp hàng và chủ phương tiện khi có hành vi cố ý thuê xe chở hàng quá tải trọng.
Một cán bộ thanh tra giao thông thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng cần xem xét lại tỉ lệ quá tải trọng vì xe tải được phép chở 1 tấn, nếu quá tải 200% cũng chỉ 3 tấn. Mức vi phạm này không ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông bởi hầu hết cầu, đường hiện cho phép tải trọng lên đến vài chục tấn. Còn nếu xử lý hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm của chủ xe, chủ hàng trước vì họ là người “chủ mưu”.
Tài xế không muốn chở hàng quá tải
Là tài xế xe tải nặng nhiều năm, anh Lê Toàn (TP HCM) bày tỏ băn khoăn khi nghe đề xuất của Tổng cục Đường bộ. Theo anh, nếu chỉ xử lý hình sự đối với tài xế là quá nặng vì họ chỉ là người làm công, chủ xe nói sao nghe vậy. Thậm chí, tài xế cũng không muốn chở quá tải trọng vì không an toàn cho chính mình.
“Tài xế chở hàng quá tải trọng không được chủ bồi dưỡng thêm bao nhiêu nhưng dễ gây ra tai nạn. Nếu không chấp nhận chở hàng quá tải, chủ cho chúng tôi nghỉ việc ngay” - anh Toàn phân trần.
Bình luận (0)