xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khốn đốn với “Nàng tiên cá”

Bài và ảnh: KỲ NAM

Hàng chục hộ dân khổ sở suốt 15 năm kể từ khi dự án “Nàng tiên cá” - Rusalka - đưa vào xây dựng và “chết đứng”

Ngày 4-3, chúng tôi trở lại dự án Rusalka (tiếng Nga là Nàng tiên cá - thuộc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), khung cảnh hoang tàn vẫn hiện ra trước mắt, hàng chục khối nhà nằm phơi nắng mưa như chưa hề được tái khởi động. Cạnh dự án này, hàng chục hộ dân hằng ngày vẫn lầm lũi đi về trong những căn nhà tạm bợ.

Dân “chết” theo dự án

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tỉnh Khánh Hòa vừa cấp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty CP Khu Du lịch Champarama thực hiện dự án Champarama Resort & Spa do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT. Dự án này rộng 44 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, nằm ở vị trí dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Rusalka (Dự án Rusalka) trước đây đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) (cũng do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT) từ năm 2000.

Trong dự án mới được cấp có khu B rộng khoảng 30 ha, nằm phía Đông đường Phạm Văn Đồng, sẽ xây dựng khu nhà nghỉ trên đồi (khoảng 15), khu thể thao đa năng (khoảng 14 ha) và khu hội nghị quốc tế (khoảng 1 ha). Khi đề cập khu B, đa số người dân nơi đây đều thờ ơ. “Bây giờ, tôi không quan tâm có hay không dự án này nữa. Đất tôi khai hoang, lập làng từ năm 1976 đến nay nên cứ ở chứ đợi dự án này làm chắc đến đời cháu chắt chưa xong” - ông Trần Văn Tiến, người dân ở đây, bức xúc.

 

img

 

Khu Du lịch Rusalka bị hoang phế gần 10 năm nay (ảnh trên) và ông Tiên bức xúc vì 15 năm sống trong cảnh tạm bợ, khổ sở
Khu Du lịch Rusalka bị hoang phế gần 10 năm nay (ảnh trên) và ông Tiên bức xúc vì 15 năm sống trong cảnh tạm bợ, khổ sở

 

Theo ông Tiến, từ năm 2000, dự án Rusalka đi vào xây dựng khiến người dân không lúc nào yên ổn. Công sức khai phá vùng “sa mạc” này cực khổ là vậy mà bây giờ nhiều người phải bán đất với giá vài trăm ngàn đồng/m2 để đi nơi khác sinh sống. “Nhà cửa hư hỏng không được sửa vì nằm trong khu dự án. Kiến nghị mãi, đến năm 2015, nhà nước mới cho sửa chữa, còn xây mới thì không được đền bù. Gần 3 ha đất vườn của tôi dự định làm trang trại nuôi gà, heo, trồng cây bây giờ phải bỏ qua một bên vì dự án” - ông Tiến nói và đề nghị dự án sớm hoạt động, đền bù thỏa đáng để người dân kiếm nơi khác sinh sống hoặc trả lại cho dân quyền được làm ăn, đầu tư xây dựng.

Ở trong căn nhà tôn lụp xụp, chị Đặng Thị Phương Ngọc, người dân nơi đây, than thở: “Dự án ra đời khi tôi còn đi học, bây giờ lấy chồng, sinh con rồi mà nó vẫn dang dở. Đất đai cha mẹ cho cũng không dám sử dụng đầu tư gì, mà bán không ai mua, đi thì không biết nơi nào”.

Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, cho biết phường chưa biết chính xác khu dân cư Bãi Tiên có bao nhiêu hộ vì rất nhiều hộ nằm trong danh sách nhân khẩu đã chuyển đi nơi khác. Trong khi tỉnh, TP Nha Trang chưa có chỉ đạo gì về dự án này.

Nhùng nhằng nợ nần

Năm 2005, ông Nguyễn Đức Chi (khi đó là chủ tịch HĐQT Công ty RIT) vướng vào vòng lao lý, dự án Rusalka bị thu hồi. Sau khi được trả tự do vào đầu năm 2010, ông Chi xin tiếp tục thực hiện dự án. Tháng 4-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép tái khởi động dự án Rusalka với tên mới là dự án Champarama Resort & Spa cho Công ty Focus Travel Nha Trang. Sau 3 năm, dự án Champarama Resort & Spa vẫn giẫm chân tại chỗ.

Năm 2016, ông Chi thay đổi nhà đầu tư thành Công ty Cổ phần Khu du lịch Champarama. Trong giấy chứng nhận đầu tư, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư mới phải kế thừa giải quyết tất cả các vướng mắc công nợ của Công ty RIT với các chủ nợ. Trong khi đó, năm 2007, Chính phủ thành lập Hội đồng định giá tài sản dự án Rusalka với kết luận tổng tài sản dự án đã đầu tư là 131 tỉ đồng của 33 nhà thầu, trong đó Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC) - nhà thầu chính của dự án Rusalka - chiếm tỉ lệ 70%.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Công ty BMC, cho biết giá trị tài sản BMC đã thi công trước đây và còn tồn đọng tại dự án (gồm: gốc, lãi, phạt vi phạm) tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 423,5 tỉ đồng. “Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm những tồn đọng tại dự án Rusalka; các bên có liên quan ngồi lại với nhau để thành lập công ty mới và tiếp tục thực hiện dự án mới. Tuy nhiên, phía ông Chi không đồng ý cùng BMC thực hiện dự án. Khi yêu cầu giải quyết dứt điểm số nợ của RIT, BMC chỉ yêu cầu trả 150 tỉ đồng nhưng một lần nữa ông Chi không đồng ý mà chỉ trả khoảng 51 tỉ đồng. Giá trị này chưa bằng 1/10 giá trị tài sản hiện tại mà giấy chứng nhận đầu tư ghi nhận (600 tỉ đồng) thì sao BMC chịu” - bà Trang cho biết.

Về phía Công ty CP Khu du lịch Champarama, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Đức Chi nhiều lần nhưng ông cho biết bận họp và sẽ trả lời sau.

 

“Phơi” nhiều công trình nhà nghỉ

Cuối năm 2000, Công ty RIT do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch HĐQT được phép đầu tư xây dựng dự án khu nghỉ mát Rusalka Nha Trang, trị giá 15 triệu USD. Tháng 6-2005, ông Chi bị bắt và bị kết tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng trái phép tài sản”.

Ngày 24-10-2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép đầu tư của RIT và UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án này. Kể từ đó, dự án “Nàng tiên cá” với nhiều công trình nhà nghỉ bờ biển dang dở bị “phơi khô” cho đến nay.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo