Cuối tháng 4, sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước siết chặt việc kiểm soát trọng lượng bản thân đối với xe tải khi kiểm định, hàng trăm xe tải ở tỉnh Bình Định phải “đắp chiếu” vì vượt trọng lượng bản thân so với thiết kế nên không được khám lưu hành.
Nhiều xe phải ngừng hoạt động
Ngoài những xe do chủ cố tình cơi nới, hoán cải, phần lớn các xe ben, xe bồn, chủ phương tiện khẳng định trong quá trình sử dụng, họ không hề hoán cải, thay đổi thiết kế.
Khoảng một tháng qua, hàng chục xe ben, xe bồn của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Kim Cúc (TP Quy Nhơn) phải nằm bãi vì lỗi quá trọng lượng bản thân. Ông Ngô Minh Phước, Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng Kim Cúc, cho rằng: “Trong hơn 30 xe tải của công ty, có đến 20 chiếc phạm lỗi vượt trọng lượng bản thân từ 1-3 tấn. Từ lúc mua xe nhập khẩu đến nay, chúng tôi không hề hoán cải hay thay đổi thiết kế nhưng chẳng hiểu sao lại quá trọng lượng bản thân như vậy. Do xe không hoạt động được, mỗi tháng công ty thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng”.
Ông Võ Bá Trọng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bình Định, cho biết Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu đối với xe có trọng lượng vượt quá 10% hoặc trên 300 kg so thiết kế thì phải hạ tải mới được kiểm định lưu hành. Trong khi đó, nhiều xe ben, xe bồn dù chủ phương tiện không hề hoán cải hay gia cố gì thêm nhưng vẫn phạm lỗi vượt trọng lượng bản thân.
Bất cập nối tiếp bất cập
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh những bất cập trên, ngày 20-5, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bình Định nhận được văn bản chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc xử lý những trường hợp xe quá trọng lượng bản thân. Theo đó, những xe quá trọng lượng bản thân nhưng không phải lỗi do chủ phương tiện thay đổi thiết kế, đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm lập lại hồ sơ, điều chỉnh trọng lượng bản thân rồi khám lưu hành cho xe hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi lọt qua “ải” đăng kiểm, chủ phương tiện tiếp tục đối mặt với khó khăn mới do tải trọng được phép chở bị giảm xuống vì trọng lượng bản thân xe tăng lên. Ông Phan Thanh Hải (ngụ đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn) than phiền: “Sau gần một tháng chờ đợi vì lỗi quá trọng lượng bản thân gần 3 tấn, ngày 21-5, xe tải của tôi mới được khám lưu hành. Tuy nhiên sau đó, xe lại gặp khó khăn khác. Theo thiết kế, xe tôi được chở 13 tấn hàng nhưng do trọng lượng bản thân tăng thêm 3 tấn nên trọng lượng hàng được phép chở còn 10 tấn. Điều này đồng nghĩa với doanh thu bị giảm so với trước đây”.
Thay vì được chở 13 tấn theo thiết kế, xe tải của ông Phan Thanh Hải chỉ được chở 10 tấn vì xe “bỗng dưng” vượt trọng lượng bản thân
Ông Đinh Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đinh Phát (thị xã An Nhơn), bức xúc: “Cách đây hơn 2 năm, công ty tôi mua chiếc xe bồn nhập khẩu mới toanh với giá hơn 1,2 tỉ đồng, có dung tích hơn 26.000 lít để chở xăng, dầu phục vụ công trình. Trong quá trình sử dụng, tôi không hề gia cố hay thay đổi thiết kế. Tuy nhiên, sau khi khám lưu hành, do trọng lượng xe tăng lên nên cơ quan chức năng chỉ cho phép chở tối đa 8,5 tấn hàng, tức khoảng hơn 11.000 lít xăng hoặc hơn 10.000 lít dầu diesel. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đối với doanh nghiệp”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, thừa nhận nhiều xe có trọng lượng bản thân vượt quy định là do sai sót khi cấp giấy chứng nhận ban đầu chứ không phải do chủ xe.
Mặc dù thừa nhận lỗi vi phạm về trọng lượng bản thân đối với nhiều xe ben, xe bồn không phải do chủ phương tiện nhưng hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ mới giải quyết phần ngọn, tức cho phép khám lưu hành để được phép hoạt động, còn thiệt hại do giảm tải trọng thì chủ phương tiện đang gánh chịu.
Bình luận (0)