Trong video clip, nữ cán bộ của đơn vị này to tiếng và hạch sách người vá đường tại sao đưa vụ việc lên mạng trong khi người này nói rất rõ ổ gà trên đường đã có từ lâu và nhiều người bị tai nạn vì nó nhưng các cơ quan hữu trách không dặm vá. Tuy vậy, cán bộ trên không hề quan tâm nạn nhân là ai, bị thương như thế nào, ổ gà xuất hiện từ đâu... mà chỉ chăm chăm hỏi “tại sao đưa lên mạng?”. Với họ, lý do chính là bởi sợ cấp trên biết việc này chứ không phải vì có trách nhiệm đối với công việc hay vì sự an toàn của người dân. Vô cảm đến thế là cùng!
Cũng trong thời gian này, cả một cánh rừng pơ mu ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị tàn phá lấy gỗ. Khi các cơ quan chức năng phát hiện một lượng gỗ pơ mu rất lớn nằm trong khuôn viên của chi cục hải quan đặt tại địa phương này thì cán bộ nơi đây cho rằng không biết ai phá rừng và số gỗ trên là của phía bạn người Lào tặng. Họ bao biện mà không hề thấy ngượng, sẵn sàng lấp liếm tiêu cực rành rành trước mắt.
Những mẫu cán bộ kiểu này, chúng ta dễ dàng bắt gặp ở nhiều ngành, nhiều cấp. Hằng ngày, khi đứng trước người dân hay cấp trên, họ có thể thao thao bất tuyệt về đạo đức công vụ, về trách nhiệm của cán bộ - công chức, về tinh thần phục vụ người dân... Nhưng thực tế, khi có việc ảnh hưởng đến chiếc ghế thì họ sẵn sàng bất chấp, kể cả quyền lợi của cộng đồng. Nỗi lo của những cán bộ như trên chính là sự vị kỷ, là làm sao trong mắt cấp trên mình không bị lộ khuyết điểm chứ nào phải là sự trăn trở, quan tâm đến quốc kế dân sinh. Thậm chí, nhân danh công vụ, họ đã trục lợi cho bản thân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi mà chỉ khi bị “bắt tận tay day tận trán” thì mới chịu cúi đầu xấu hổ. Điển hình là vụ mấy “quan” thanh tra giao thông TP Cần Thơ vừa bị bắt tạm giam vì vòi tiền chung chi từ cánh nhà xe đến gần 3,5 tỉ đồng. Vụ mới nhất này làm vấy bẩn ngành thanh tra nói chung vốn luôn cần sự trong sáng, công bằng. Từ đó, người ta lại nhớ tới câu thơ truyền miệng, vừa mỉa mai vừa không sai thực tế: Thanh “cha” (tra), thanh mẹ, thanh gì/ Hễ có phong bì là nói “thanh kiu” (thank you: cảm ơn).
Cán bộ thời nay và quan lại thời xưa luôn được gọi là công bộc của dân. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Hồ Chủ tịch sinh thời đã dạy như vậy, hầu như cán bộ - công chức nào cũng thuộc nằm lòng nhưng lại nói một đằng làm một nẻo.
Cách ứng xử với dân là biểu hiện của văn hóa, học thức và là năng lực của người cán bộ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” nhưng với những “cái gốc” như trên thì hỏi sao công việc chẳng hỏng từ gốc rễ! Vậy mà không ít cán bộ kiểu như thế đã len lỏi vào bộ máy nhà nước…
Bình luận (0)