Với một ngành hoàn toàn do nhà nước quản lý, có hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng đồ sộ trải khắp 3 miền nhưng chỉ có thị phần khoảng 1% thì quả là ngành đường sắt quá... chậm lớn. Có hơn 130 năm phát triển nhưng mỗi dịp lễ, Tết, mọi người phải ùn ùn xếp hàng hết ngày này đến ngày nọ mới mua được tấm vé. Lên tàu phải vạ vật đủ kiểu, chen nhau lê la khắp hành lang, kể cả khu vực nhà vệ sinh thì hành khách - những thượng đế của ngành đường sắt - không nản lòng mới là chuyện lạ. Từ nản lòng đến từ chối là một quyết định khá dễ dàng.
Có đủ lý do đã được đưa ra, nhiều nguyên nhân đã được phân tích nhưng hầu như đều né tránh một thực tế là chính ngành này không chịu lớn. Đã có nhiều đổi mới từ việc tăng tốc độ tàu, cải thiện bữa ăn, thay đổi cung cách phục vụ... nhưng như thế là chưa đủ và càng không thể dùng để biện minh cho sự tụt hậu ngày càng xa của ngành đường sắt so với tốc độ phát triển chung của xã hội. Phương án hạn chế phương tiện vận tải khác để nuôi lớn ngành đường sắt chỉ là biện pháp bi đát và càng làm đáng thương hơn bức tranh ế ẩm của ngành này.
Câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra với ngành đường bộ. Cách đây gần 10 năm, khi cả hệ thống vận tải bằng ô tô quá ì ạch, chụp giật thì các nhà xe chất lượng cao xem khách hàng là thượng đế ra đời. Nó đã đẩy những người kinh doanh vận tải kiểu “cho gì ăn nấy” vào nguy cơ phá sản. Họ đã chọn cách phản ứng tiêu cực là ngăn chặn, hạn chế các xe khách chất lượng cao, thậm chí là bằng nắm đấm. Nhưng rồi thực tế đã trả lời tất cả, quy luật đào thải đã làm tròn công việc của nó: Nếu không thay đổi, không phát triển thì sẽ chết. Sự khốc liệt này đã có tác dụng tích cực là thay đổi toàn bộ hệ thống vận tải hành khách đường bộ như hiện nay.
Những bài học về sự thay đổi để thích ứng với phát triển luôn được đặt ra trong bất cứ thời điểm nào của cuộc sống. Nó diễn ra ngày càng nhanh, càng mạnh mẽ và cũng càng nhẫn tâm. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã trải qua kinh nghiệm đau đớn này... từ tận thế kỷ XIX. Điển hình nhất, xót xa nhất chính là cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, xuất phát từ nước Anh. Khi những nhà máy công nghiệp mọc lên, máy móc thay thế sức lao động chân tay đã đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Họ đã không kịp thay đổi để thích ứng mà chọn cách đập phá nhà máy để phản đối. Thời gian đã có câu trả lời và cách tốt nhất là họ đã trở thành công nhân, làm chủ những chiếc máy đó.
Hiện nay cũng thế, không thể buộc người khác dừng lại để thấy mình trong ảo tưởng không bị tụt hậu. Sự đào thải sẽ sớm đến với cách nghĩ như thế.
Bình luận (0)