xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không cho gà ăn gì cả mà bắt đẻ trứng vàng sao được !

D.Q

Tính thị trường của du lịch Việt Nam còn rất thấp Loạt bài khởi động mùa du lịch của Báo Người Lao Động bắt đầu từ tháng 5 -2004 vừa qua đã ghi nhận nhiều ý kiến của du khách trong và ngoài nước. Một trong những trọng điểm mà du khách hướng tới và góp ý nhiều là các tỉnh miền Trung.

Với lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội và đặc sắc trong cả nước, miền Trung – Tây Nguyên được xác định là một trong những trọng điểm phát triển du lịch Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiềm năng này còn trong mơ ? Chúng tôi thực hiện phút nói thật với người có trách nhiệm.

Đầu tư chẳng thấm vào đâu!

. Phóng viên: Đề án của Tổng cục Du lịch (TCDL) đã đề xuất nhiều giải pháp được cho là khả thi, theo ông, liệu có kết quả tốt? Ngân sách Nhà nước đã rót 678,25 tỉ đồng (giai đoạn 2001-2004) cho ngành du lịch khu vực này, thế nhưng số khách quốc tế đến miền Trung - Tây Nguyên chỉ chiếm 10% cả nước?

img- Ông Hồ Việt: Mức hỗ trợ của Nhà nước như thế mới đáp ứng khoảng 30% - 40% nhu cầu đầu tư. Còn đầu tư của các công ty du lịch vào hạ tầng xem như không đáng kể bởi quan niệm “con gà đẻ trứng vàng”. Có mấy cái “trứng vàng di sản” đó, không lẽ cứ cho “con gà” nó ăn bữa đói, bữa no mà cũng lại đẻ ra “trứng vàng” nữa...? Cũng một phần do hoàn cảnh tự nhiên - xã hội. Miền Trung là vùng đất khó, chịu ảnh hưởng nặng nề của hai cuộc chiến tranh. Năm 2002, trong khi GDP cả nước bình quân 400 USD/đầu người/năm thì ở miền Trung chỉ là 285 USD, ở Tây Nguyên là 275 USD. Khái niệm làm du lịch vẫn còn mới đối với nhiều tỉnh, thành.

Cán bộ du lịch: Thiếu cả “tâm” lẫn “tầm”

. Thế nhưng, thưa ông, không thể cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử mãi. Quan trọng là chiến lược phát triển du lịch và những con người thực hiện chiến lược đó?

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Hiện nay, năng lực của người làm du lịch ở đa số các địa phương đều không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nói chung, về công tác cán bộ còn yếu kém nhiều mặt. Điều này rất dễ lý giải: Họ không được đào tạo bài bản, khi có điều kiện đi học thì địa phương thiếu kinh phí, đành ách lại! Hơn nữa, di sản có đấy, tiềm năng du lịch có đấy, nhưng cán bộ ngại khó, hoặc thiếu cái tâm thì ngành du lịch địa phương cũng “đói” bởi người đầu ngành không làm hết trách nhiệm. Đó cũng là nguyên nhân khiến ngành du lịch trong khu vực cứ ì ạch mãi trong nhiều năm qua, chưa có bước đột phá.

. Điều ông vừa nói, có nghĩa là rất cần cái tâm của người làm du lịch. Nhưng cái tâm chưa đủ, mà cần phải có cái tầm nữa. Tôi lấy ví dụ ở Quảng Bình: Nếu có “tầm” thì đã không có chuyện người dân xây dựng khách sạn mini ồ ạt tại khu vực gần Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sau ngày 15-2-2004, khi Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, khiến cảnh quan di sản bị phá vỡ.

- Đấy đấy, tôi cũng có đề cập ở trên rồi. Cán bộ ngành du lịch của ta vừa thiếu lại vừa yếu. Như thế thì thiệt hại cũng khó lường lắm. Ra biển Cửa Tùng (Quảng Trị) thì rõ ngay. Bãi biển đẹp như thế, hấp dẫn như thế, lại giao cho... cấp xã quản lý, làm ăn chẳng ra cái thể thống gì cả. Hậu quả là biển Cửa Tùng bị phá nát, du khách bỏ Cửa Tùng vào biển Đà Nẵng, biển Cửa Đại. Còn Khu Du lịch sinh thái nước khoáng Bang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chính quyền địa phương lại giao cho một công ty... sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư và khai thác, chứ không phải là một công ty du lịch. Làm sao có hiệu quả cao cho được!

Muốn tiêu tiền nhưng bị cấm

. Du khách nước ngoài đến với Hội An rất đông, thế nhưng dịch vụ cho khách còn rất hạn chế. Cụ thể là chính quyền thị xã chủ trương cấm tuyệt đối các dịch vụ được cho là “nhạy cảm” như massage, bar, dancing hay hớt tóc thanh nữ... Vì thế, du khách phải “chạy” ra Đà Nẵng để... tiêu tiền?

- Đây đúng là một bất cập, đã từng đem ra mổ xẻ tại hội thảo du lịch ngoài đảo Cù Lao Chàm vừa rồi. Chủ trương của chính quyền thị xã nhìn chung là có lý, nhưng dưới lăng kính của người làm kinh tế-du lịch thì ở một góc độ nào đó có thể cho đây là tư duy cực đoan. Hễ cái gì không quản lý được hoặc khó quản lý là cấm tiệt, làm vậy coi sao được. Nhu cầu của khách rất đa dạng, vấn đề ở chỗ là cần phải có cách nâng cao năng lực quản lý. Trong lúc người làm du lịch ở Singapore chẳng hạn, tìm mọi cách để “móc túi” du khách một cách triệt để thì ta lại từ chối những cơ hội thu tiền. Thế này là tụt hậu. Khách đi du lịch là để xài tiền, mà ta không có chỗ cho họ xài, họ cũng chê ta dở, không tới nữa.

Mạnh ai nấy làm

. Tại sao gần một nửa trong số 10.000 phòng lưu trú tại các tỉnh trong khu vực phải nhờ các hãng lữ hành ở TPHCM và Hà Nội rót khách trong khi chúng ta có 30 hãng lữ hành quốc tế và hàng chục công ty du lịch trong nước từ Nghệ An đến Bình Thuận đang hoạt động?

- Furama Resort (Đà Nẵng) là điển hình ăn nên làm ra, chiếm gần bằng một nửa doanh thu du lịch toàn TP Đà Nẵng. Một số doanh nghiệp Nhà nước khác như Du lịch Hương Giang (Huế), Dịch vụ - Du lịch Hội An (Quảng Nam) cũng làm ăm khấm khá và đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đa số các đơn vị du lịch còn lại còn làm ăn theo kiểu cò con, nhỏ lẻ, thiếu hẳn tính chuyên nghiệp, thậm chí còn làm ăn theo kiểu phong trào. Nhìn vào số khách sạn mini đang mọc lên như nấm ở Hội An thì rõ. Hiện đã có 2.500 phòng rồi, năm 2005 sẽ tăng lên 3.000 phòng. Nhưng mà khách ở đâu ra, chẳng lẽ đến Hội An là nằm mãi trong phòng. Công suất phòng trung bình hiện nay ở Hội An chỉ trên dưới 40% thôi. Làm như thế là sẽ hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ và mở rộng hoạt động kinh doanh cùng các loại hình dịch vụ bổ trợ.

. Nếu nhìn ra thế giới, khi Thái Lan mở chiến dịch quảng bá “Bất ngờ Thái Lan - Surprising Thailand” thì huy động Bộ Ngoại giao, Hải quan, Vận tải... cùng làm và thực hiện đồng bộ, dài hạn. Còn ở ta thì chưa làm được điều này?

- Đúng như thế, xu hướng quốc tế hiện nay là liên hiệp lại. Một người bạn của tôi đi Thái Lan về, hỏi rằng tại sao Thái Lan làm được mà mình không làm được. Bởi vì người ta biết huy động toàn xã hội và ai cũng có trách nhiệm vì cái chung. Còn ở ta, sự đoàn kết của các công ty du lịch còn yếu lắm, ý thức của người dân cũng chưa cao, chẳng ai chịu nghe ai. Thế là hình ảnh của Việt Nam bị lu mờ. Malaysia đón 14 triệu du khách/năm nhờ làm tốt công tác quảng bá. Việt Nam chỉ 2,5 triệu khách thôi, một phần cũng vì quảng bá kém. Tôi qua Bắc Kinh, đi đâu cũng thấy lời chào, rất nhiều slogan giới thiệu đất nước họ, thậm chí ra chợ thấy người bán hàng rao ầm ĩ cả lên! Còn ở ta, thử nhìn vào một cái chợ đi, có ai rao hàng đâu, không mua thì thôi. Rõ ràng, tính thị trường của du lịch chúng ta còn thấp lắm.

Dương Quang (thực hiện)

----------------------------------------------------- 

Chuyện ông Tây, bà đầm “cuổng trời”: Chỉ vì thiếu 1 tấm bảng

Những ngày hè oi bức này, bãi tắm Cửa Đại là nơi ưa thích của du khách nước ngoài đến Hội An. Giữa hàng trăm cặp mắt của những người đi tắm biển trong nước, thỉnh thoảng, một số du khách nước ngoài cả nam lẫn nữ vô tư... “cuổng trời” đi giữa nắng. Thế là bà con nháo nhào cả lên trong tình trạng hết sức mất lịch sự. Bọn trẻ tha hồ hò hét, người lớn ngượng chín cả mặt, có người đi báo công an phường. Lúc mời họ về phường để xử lý hành chính thì chính quyền không thể phạt được vì họ đã mặc đồ đường hoàng lại rồi, bằng chứng đâu?! Cho nên, chỉ còn cách nhắc nhở. Nhưng cả hàng ngàn lượt khách đến Hội An làm sao nhắc nhở cho xuể, vì vậy tình trạng này cứ tái diễn mãi. Nguyên nhân của sự việc chính là do thiếu những thông tin khuyến cáo về thuần phong mỹ tục cho du khách nước ngoài. Trách nhiệm thuộc về những cơ quan quản lý địa phương.

------------------------------------------------------------------

10 giải pháp tăng tốc phát triển du lịch

Theo đề án tăng tốc phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên, dự kiến đến năm 2005, khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ đón được 1,2 triệu lượt khách quốc tế, 5,2 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2010, hai con số trên sẽ tăng lên lần lượt là 2,1 triệu và 8 triệu. Thu nhập du lịch cũng tăng từ 335,76 triệu USD (năm 2005) lên 770 triệu USD (năm 2010). Để đạt được mục tiêu này, đề án đưa ra 10 giải pháp, chính sách tăng tốc phát triển du lịch, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch; tăng cường công tác quy hoạch phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch đạt hiệu quả; đầu tư phát triển du lịch; giải pháp tài chính; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học, công nghệ; bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, môi trường du lịch; an toàn cho du khách và an ninh cho khu vực; hợp tác quốc tế về du lịch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo