Theo văn bản báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, tuyến BRT bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Văn Lương kéo dài - trục phía bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) có chiều dài 14,7 km. Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh có mặt cắt ngang 3,5m. Đây là tuyến BRT thí điểm lần đầu áp dụng tại Việt Nam do nhiều đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thực hiện lập dự án và thiết kế.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng tuyến đường này chủ yếu chạy trên mặt đường cũ nên không bảo đảm yêu cầu. Tổng chiều dài phải thay thế khoảng 3,3 km chứ không phải toàn bộ 14,7 km như một số thông tin đã nêu.
Ngoài ra, do BRT chạy với tần suất cao (khoảng 3-5 phút/chuyến), tốc độ nhanh và phải dừng đỗ thường xuyên tại các nhà chờ nên đòi hỏi kết cấu mặt đường cho làn đường dành riêng phải có cường độ cao, chịu được tác động của lực hãm phanh khi dừng đỗ, bảo đảm không gây hư hỏng, phá hoại mặt đường trong quá trình vận hành khai thác. Phương án làm kết cấu mặt đường bê-tông xi-măng áp dụng cho những đoạn mặt đường cũ không bảo đảm yêu cầu về chịu tải theo chuẩn của tuyến BRT đã được các cơ quan liên quan thẩm định và chấp thuận. Từ đây Sở GTVT Hà Nội khẳng định không thể đánh giá việc này là “lãng phí” hay “chơi trội”.
Tuy nhiên Sở GTVT Hà Nội lại không giải thích rõ về việc dư luận râm ran thời gian qua về chuyện tầm nhìn quy hoạch của cơ quan này có vấn đề khi cầu vượt thép tại ngã tư Láng Hạ- Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) được đưa vào sử dụng hơn 1 năm mới phát hiện ra không phù hợp cho xe buýt BRT chạy qua. Ngoài số tiền 49 triệu USD (khoảng 1.000 tỉ đồng) để đầu tư xây dựng tuyến BRT này, Sở GTVT đã đề xuất Ngân hàng Thế giới cho vay thêm 500.0000 USD (khoảng 10 tỉ đồng) để gia cường cầu vượt Láng Hạ- Huỳnh Thúc Kháng (Báo Người Lao Động đã phản ánh).
Nhiều chuyên gia giao thông đã cho rằng việc bỏ ra tới hơn 10 tỉ đồng để gia cường cầu vượt mới đưa vào sử dụng hơn 1 năm là khó có thể chấp nhận được, khiến kinh phí xây dựng cầu vượt Láng Hạ- Huỳnh Thúc Kháng từ 67 tỷ đồng có thể lên tới hơn 77 tỷ đồng.
Theo ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh, sửa cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng nói riêng và nhiều dự án giao thông đô thị khác tại Hà Nội thời gian qua cho thấy Hà Nội thiếu quy hoạch ngành. Cầu vượt mới đưa vào sử dụng hơn 1 năm mà đã phải gia cường cho tuyến xe buýt BRT (được phê duyệt từ năm 2007) chạy qua chứng tỏ có sai sót trong khâu ra “đề bài” về yêu cầu đạt được khi đầu tư xây dựng dự án của lãnh đạo Sở GTVT trước đây.
Bình luận (0)