Để rộng đường dư luận xung quanh hiện tượng nhiễu sóng tiếng Trung Quốc xảy ra ở các đài phát thanh ở Đà Nẵng và Huế, chúng tôi giới thiệu bài phân tích của Kỹ sư Nguyễn Phú Hà-Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 3 về hiện tượng này.
Đài Truyền thanh Quận Ngũ Hành Sơn không bị can nhiễu
Ngày 18-7, ngay sau khi nhận được văn bản của Sở TT&TT Đà Nẵng đề nghị phối hợp kiểm tra tình trạng can nhiễu cho các đài Truyền thanh không dây (TTKD) trên địa bàn Quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực III đã tiến hành thu thập các thông tin, tổ chức kiểm soát trên tần số 97,5 MHz đã được Cục Tần số cấp phép cho Đài TTKD Phường Khuê Mỹ; kiểm tra thực tế tại địa điểm xảy ra can nhiễu đồng thời làm việc với UBND Quận, Đài truyền thanh Quận Ngũ Hành Sơn để thống nhất các nội dung liên quan. Trung tâm đã xác định:
- Đài Truyền thanh Quận Ngũ Hành Sơn không bị can nhiễu như một số báo đưa tin. Nhiễu xảy ra theo phản ánh của người dân là tại 01 cụm loa thu của đài TTKD phường Khuê Mỹ - Quận Ngũ Hành Sơn.
- Không tồn tại đài phát sóng FM của Trung Quốc trên địa bàn Trung tâm quản lý nói chung và địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng. Không có hiện tượng cố tình “chế áp sóng”, chèn sóng tiếng Trung Quốc trong khi đài truyền thanh đang phát. Tiếng nước ngoài nghe được theo phản ảnh của người dân xảy ra vào thời điểm 14h là thời gian đài truyền thanh Quận và đài TTKD các phường đã ngừng phát.
- Không thể có tình trạng các máy bộ đàm từ các resort của Trung Quốc phát trùng tần số 97,5 MHz như một số nguồn tin phỏng đoán do băng tần số của hai thiết bị này là hoàn toàn khác nhau.
Nhiều vụ can nhiễu do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết
Kiểm tra tại cụm loa bị nhiễu sóng tiếng Trung Quốc ở Đà Nẵng mà người dân phản ánh (ảnh Quang Quý)
Sự lan truyền của sóng vô tuyến điện trong không gian là không biên giới và rất phức tạp. Trong thời gian qua, Trung tâm Tần số VTĐ Khu vực III cũng đã tiếp nhận và xử lý nhiều vụ can nhiễu do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, tạo ra các đường truyền sóng bất thường, làm cho sóng vô tuyến V/UHF có thể truyền đi rất xa. Hiện tượng này gọi là ống dẫn sóng đối lưu.
Ống dẫn sóng đối lưu là một dạng môi trường truyền sóng. Sóng vô tuyến V/UHF truyền trong môi trường này có suy hao rất thấp nên truyền đi rất xa đến hơn 1000 km, thậm chí hơn 2000 km. Thực tế đã có một số trường hợp chứng minh cho hiện tượng siêu truyền dẫn này nhưng đa số là tín hiệu FM và tín hiệu truyền hình.
Trên thế giới, một số quốc gia đã có hẳn một trang web chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của ống dẫn sóng đối lưu đến quá trình truyền sóng. Thậm chí người ta có thể dự báo được hiện tượng nhiễu sóng này sẽ xảy ra trên tần số nào, vào các thời điểm nào.
Ống dẫn sóng đối lưu hình thành khi có sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột của không khí gọi là đảo nhiệt hay nghịch nhiệt (temperature inversion). Hiện tượng này xảy ra khi có sự tiếp xúc của lớp không khí lạnh và lớp không khí ấm hơn. Giới hạn giữa 2 lớp không khí này được gọi là weather front (theo khí tượng học thì định nghĩa này gọi là giới hạn phân tách giữa 2 lớp không khí có đặc tính khác nhau) chính là ống dẫn sóng đối lưu (troposheric ducting).
Sóng vô tuyến khi truyền trong môi trường này bị phản xạ nhiều lần và suy hao rất ít nên có thể truyền đi được rất xa. Hiện tượng này thường xảy ra nhiều nhất ở các khu vực ven biển tiếp giáp với vùng biển rộng.Vì vậy, việc các sóng vô tuyến V/UHF từ Trung Quốc hay các quốc gia khác lan truyền đến và gây nhiễu theo cơ chế ống dẫn sóng nêu trên là có thể xảy ra.
Đối với các vụ can nhiễu giống như tình trạng của Đài TTKD phường Khuê Mỹ nêu trên, Trung tâm cũng đã có tiếp nhận kháng nghị và xử lý nhiều trường hợp không chỉ là các đài TTKD mà còn nhiều mạng đài vô tuyến khác như trường hợp 01 đài taxi tại Hưng Yên gây nhiễu cho taxi Mai Linh Thừa Thiên Huế hay các can nhiễu của đài truyền thanh huyện Triệu Phong Quảng Trị, thị xã Hương Trà (TTH), phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ - Đà Nẵng)… cũng đều do tình trạng ống dẫn sóng đối lưu như đã giải thích.
Để giải quyết can nhiễu này, Trung tâm đã giải thích, hướng dẫn các đơn vị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để khắc phục chất lượng thiết bị hoặc các giải pháp như nâng mức ngưỡng máy thu, điều chỉnh hướng anten thu phát, sử dụng công nghệ mã hóa các cụm thu để các cụm thu chỉ nhận được tín hiệu đúng với tín hiệu đài phát đã được mã hóa (đối với các cụm loa thu nếu không có bộ mã hóa thì loa sẽ tự động phát khi thu được tín hiệu cùng tần số)… nhằm tránh tình trạng can nhiễu lặp lại.
Bình luận (0)