Ngày 16-5, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã tổ chức họp báo về dự án bauxite Tây Nguyên. Buổi họp báo không có đại diện của ban giám đốc đơn vị này mà chỉ có người phát ngôn là TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược phát triển của Vinacomin.
Bí mật giá thành, giá bán!
Tại buổi họp báo, TS Chỉnh một mực khẳng định dự án bauxite Tây Nguyên gồm nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) có hiệu quả kinh tế. Ông khẳng định: “Dự án mà không hiệu quả thì Vinacomin chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước”.
Ông Chỉnh cho biết giá thành sản phẩm đã tính đúng, đủ theo các loại thuế, phí, chi phí liên quan (môi trường, giao thông, giải phóng mặt bằng…). Song, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc quãng đường vận chuyển alumin từ nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ về cảng trên dưới 200 km thì giá thành sản phẩm của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với nhiều nước, ông Chỉnh nói: “Vinacomin sẽ thuê doanh nghiệp bên ngoài và không biết họ tính toán ra sao từ cước vận chuyển đến đầu tư đường” (?).
Ông Chỉnh thừa nhận trong khoảng 3-5 năm đầu, dự án sẽ lỗ. Về hiệu quả tài chính dù đang thấp hơn so với mong đợi nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ chiết khấu bình quân so với vốn vay trên thị trường vốn. Vinacomin xác định dự án Tân Rai mất 12 năm hoàn vốn và Nhân Cơ là 13 năm. “Vinacomin đã tính hiệu quả của dự án trên 30 năm và được tính toán trên rất nhiều thông số” - ông Chỉnh quả quyết và dẫn chứng sự thành công của dự án bằng 2 hợp đồng dài hạn bao tiêu sản phẩm với Công ty Marubeni (Nhật Bản) và Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, ông Chỉnh cho biết còn có nhiều công ty khác đang quan tâm đến sản phẩm của Vinacomin.
Tại buổi họp báo, giá thành và giá bán sản phẩm vẫn được giữ kín với lý do bí mật kinh doanh! “Có những ý kiến khác nhau làm chúng tôi rất phiền lòng. Nói giá thành sản phẩm nước ngoài là 316 USD/tấn, còn Việt Nam là 450 USD/tấn thì không hiểu họ tính thế nào. Chúng tôi không công khai giá nhưng có báo cáo cơ quan thẩm quyền là các bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư” - ông Chỉnh lý giải.
Người nộp thuế “gánh” 60 triệu USD cho bauxite
Dù rất “tự tin” khi nói về hiệu quả của dự án nhưng khi đề cập việc Vinacomin đang được Nhà nước ưu đãi mức thuế xuất khẩu là 0%, ông Chỉnh trả lời ngược lại: “Khi giá sản phẩm trên thị trường lên thì mức thuế suất sẽ tăng lên chứ không thể giữ mãi 0%. Khi nền kinh tế suy thoái thì Nhà nước phải chia sẻ để doanh nghiệp bớt khó khăn”.
Trước trả lời của đại diện Vinacomin, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin, cho biết theo quy định, thuế xuất khẩu quặng nhôm là 15% - 40% (tính trên giá xuất khẩu). “Việc Bộ Tài chính cho phép áp dụng mức thuế suất 0% đối với Vinacomin là phi lý và bất công, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân, không dùng vốn ngân sách” - ông Sơn nhận xét.
Theo ông Sơn, nếu tính thuế xuất khẩu bằng 0% thì bất cứ dự án khai thác khoáng sản để xuất khẩu nào cũng có lãi. Vì thế, nếu nói dự án bauxite có lãi thì phải đi kèm điều kiện ngân sách thất thu ít nhất 15% giá xuất khẩu.
“Theo cách tính thuế xuất khẩu bằng 0% mà Vinacomin được “ưu ái” thì bình quân 1 tấn alumin xuất khẩu, ngân sách Nhà nước thất thu gần 47,4 USD/tấn. Vì vậy, để “giúp” dự án có hiệu quả như Vinacomin tính toán thì tương đương mỗi năm, người đóng thuế phải gánh gần 60 triệu USD” - ông Sơn phân tích.
Đã nhận nhiệm vụ là phải làm!
Báo Người Lao Động đặt vấn đề: Dự án Nhân Cơ đã đầu tư trên 6.000 tỉ đồng với 50% hạng mục đã được thi công nhưng sau khi dừng xây dựng cảng Kê Gà thì vận chuyển sản phẩm sẽ đi xa hơn 260 km và bị “mắc kẹt” ít nhất 15 năm tới cho đến khi có tuyến đường sắt. Như vậy, liệu dự án có bảo đảm hiệu quả kinh tế và tiến tới dừng dự án hay không?
Trả lời việc này, ông Chỉnh nhấn mạnh việc dừng cảng Kê Gà là hợp lý và không ảnh hưởng đến dự án Nhân Cơ. Ông cho rằng việc dừng dự án là vấn đề lớn, một câu hỏi không thể trả lời hết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ doanh nghiệp và chủ đầu tư, Vinacomin muốn giới chuyên gia, các nhà khoa học góp ý xem nếu dừng thì được lợi gì, hại ra sao, giải quyết hậu quả như thế nào vì nhà máy đã ký thầu EPC với nhà thầu nên không thể nói bỏ là xong.
“Sau khi xem xét, tính toán, Vinacomin đã thống nhất là không dừng và cũng không dám dừng dự án. Là chủ đầu tư, chúng tôi chịu trách nhiệm và sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về hiệu quả kinh tế của dự án” - ông Chỉnh quả quyết.
Cũng theo ông Chỉnh, thời gian để thu hồi vốn của Nhân Cơ kéo dài hơn so với dự kiến trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm theo phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm).
Công nghệ “còn hơn cả Pháp”! Tại cuộc họp báo, vấn đề công nghệ lạc hậu của Nhà máy Tân Rai sẽ dẫn đến lãng phí nguồn nguyên liệu, hiệu quả kém được đặt ra. Cụ thể, tổng mức thu sản phẩm của Tân Rai là 85% do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) cung cấp thấp hơn 2% so với nhà thầu Pechiney (Pháp) là 87%. Nếu mức chênh lệch này là thật thì sẽ thất thoát 5 triệu USD/năm. Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết công nghệ ở dự án bauxite Tây Nguyên là sản xuất alumin bằng phương pháp thủy nhiệt (Bayer). Đây là công nghệ tiên tiến và đang thịnh hành. “Công nghệ của Pháp tách nhiệt độ thấp, quá trình hòa tan kéo dài hơn so với công nghệ Trung Quốc. Vì thế, 27 nhà máy trên thế giới thì 26 nhà máy áp dụng công nghệ như Tân Rai và chỉ có 1 nước sử dụng công nghệ của Pháp. Chất lượng sản phẩm công nghệ Pháp không đạt bằng Tân Rai vì tỉ lệ tạp chất lớn hơn” - ông Chỉnh khẳng định. |
Bình luận (0)