UBND TP Nha Trang vừa đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét hỗ trợ tái định cư (TĐC) lại cho người dân sống tại các vị trí nguy hiểm sau khi xảy ra sự cố bể mương thoát lũ và lở núi mới đây.
Không thể yên tâm
Đã 3 tuần kể từ khi căn nhà bị đất đá vùi lấp trong vụ bể mương thoát lũ Tây Đường Đệ, cuộc sống của gia đình ông Phạm Quang Hưng (khu TĐC Hòn Xện, thuộc khu dân cư Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) vẫn rất tạm bợ. Để con cái tiện việc học hành, ông phải thuê nhà ở tạm. Tiền hỗ trợ 3 tháng mà tỉnh cấp là 6 triệu đồng chỉ đủ trả 1 tháng thuê nhà. Mỗi tối, ông phải về lại nhà cũ treo võng ngủ canh nhà trong khi Tết sắp đến.
Trước đây, ông Hưng có 1 khu đất ở phường Xương Huân, TP Nha Trang. Do khu đất bị quy hoạch làm dự án tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa, từ năm 2012, cả nhà phải chuyển đến ở khu TĐC Hòn Xện. Căn nhà nằm ngay họng nước đổ xuống từ suối Hố Cừa. Vào những ngày mưa, nước từ trên núi đổ về suối Hố Cừa rồi thoát ra kênh mương Đường Đệ. Kênh mương này cách nhà dân chỉ 3-5 m và từng bị bể một lần vào năm 2007.
“Nếu không ra đây sẽ bị cưỡng chế nên tôi nhận đại vị trí này. Sau vụ bể mương lần hai, tôi không thể yên tâm mà xây lại nhà cửa cũng như sống ở đây được nữa. Đề nghị nhà nước thống kê tài sản, thiệt hại và hỗ trợ TĐC cho tôi” - ông Hưng đề đạt.
Không chỉ ở Hòn Xện, tại khu TĐC Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang), việc đưa dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn khiến người dân lo lắng. Năm 2015, hàng chục hộ vừa xây nhà xong thì nứt toác. Nghiêm trọng như nhà ông Nguyễn Cà, sau một trận mưa, căn nhà TĐC với số tiền đầu tư 780 triệu đồng bị nứt rồi đổ hẳn. Nguyên nhân chính do đơn vị thi công đổ đất nền chỉ trong 4 tháng đã bàn giao mặt bằng cho dân nên nền đất chưa ổn định.
Ở huyện Vạn Ninh, khu TĐC hầm đường bộ đèo Cả (xã Đại Lãnh) cũng bị dân kêu vì nhà hư hỏng. Theo UBND xã Đại Lãnh, khu TĐC này có diện tích 15 ha, đáp ứng nhu cầu cho gần 200 hộ bị giải tỏa. Đến nay, mới có 50 hộ về xây nhà ở bởi cơ sở hạ tầng còn ngổn ngang; một số nhà bị lún, nứt. Tại huyện này, 3 khu TĐC là Ruộng Dỡ Trong, Cây Sanh và Tư Ích (xã Vạn Thọ) chỉ có 3 hộ đến ở vì khu TĐC này bị “bỏ hoang” từ năm 2011; điện, nước, sinh kế của người dân không bảo đảm.
“Phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”!
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh nhằm có biện pháp kịp thời, không để người dân ở nơi nguy hiểm. Nếu cần thiết TĐC thì xây dựng phương án đề xuất, giải quyết phù hợp với quy định giúp bà con ổn định cuộc sống.
Về các hộ dân bị hư hỏng nhà cửa ở Vạn Ninh liên quan đến dự án hầm đường bộ đèo Cả, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo UBND huyện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức giám định và bồi thường thiệt hại. Hiện chủ đầu tư đã ký quỹ hơn 2,5 tỉ đồng để tạm ứng kinh phí bồi thường; đồng thời sớm công bố giá trị bồi thường, tạo điều kiện cho người dân sửa nhà trước Tết Nguyên đán 2017.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, khẳng định chủ trương của tỉnh đối với việc xây dựng các khu TĐC là “phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”. Các khu TĐC phải bảo đảm đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, điện, nước, đường giao thông; quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề và giới thiệu việc làm cho người dân trước khi giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của một số dự án dẫn đến việc di dời dân trong khi cơ sở hạ tầng khu TĐC chưa được hoàn thiện, chất lượng hạ tầng chưa đồng bộ nên phần nào gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Tỉnh ủy Khánh Hòa đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo các ngành, địa phương phải phối hợp cùng chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu TĐC, tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ triển khai 90 dự án, thu hồi 821 ha đất, ảnh hưởng đời sống của 611 hộ dân.
Bình luận (0)