Sáng 3-3, khi Nghị đinh 01/2017/NĐ-CP (Nghị định 01) chính thức có hiệu lực, nhiều người đến các văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện ở TP HCM để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các trường hợp trước đó mua bán, sang nhượng thông qua giấy viết tay. Nhiều trường hợp đã không thực hiện được bởi một số lý do.
Vướng khung thời gian
Ông Lê Văn Tùng (SN 1973; ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) vừa nộp hồ sơ thì đã bị cán bộ địa chính xã Vĩnh Lộc A trả lại vì căn nhà của ông xây dựng trên đất nông nghiệp và có một phần diện tích lấn chiếm. Như vậy, muốn có sổ đỏ, ông Tùng phải về làm đơn đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đóng thêm khoản tiền bằng 100% giá trị đất đang sử dụng. Ngoài ra, còn phải đóng phạt cho việc xây dựng lấn chiếm và khắc phục vi phạm.
Dãy nhà này ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM được mua bán bằng giấy tay, hiện một số hộ đang làm thủ tục xin cấp sổ đỏ
Ông Tùng thở dài: “Căn nhà tôi mua bằng giấy tờ tay và xây dựng công trình tạm bợ nên không biết là trên đất nông nghiệp và xây lấn chiếm. Nay phải đóng tiền chuyển đổi bằng giá mua mảnh đất mới chắc không thể thực hiện được”.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh (ngụ phường Phước Long B, quận 9) mua 50 m2 đất bằng giấy tay vào năm 1998, đến năm 2005 thì xây nhà. Tưởng có thể đăng ký cấp sổ đỏ theo Nghị định 01 nên ông đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận 9 nộp hồ sơ. Qua kiểm tra bước đầu, cán bộ trả lại hồ sơ vì căn cứ vào giấy viết tay thì thời điểm mua bán diễn ra không đúng trong khung thời gian từ 1-7-2004 đến 1-1-2008. Bà Võ Ngọc Thúy (SN 1966; ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân) mua nhà vào tháng 6-2016. Trước đó, người bán nhà cho bà đã mua căn nhà này từ một chủ khác vào tháng 2-2002. Hồ sơ của bà Thúy cũng bị trả và được yêu cầu phải tìm những người chủ trước đó ký xác nhận, cập nhập hồ sơ nhằm củng cố tính pháp lý.
Một cán bộ đang công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh cho biết trong sáng 3-3, rất nhiều người đến nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, hầu hết đều vướng tình trạng mua bán giấy tay không thuộc khung thời gian quy định.
Đóng phạt mới được làm
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, thông tin Nghị định 01 trong mục cấp sổ đỏ cho trường hợp viết giấy tay vẫn còn vướng một số vấn đề nên cần có thông tư hướng dẫn. Theo dự kiến, đến tháng 4-2017, Bộ TN-MT sẽ ban hành chính thức những văn bản cụ thể để áp dụng trong việc xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, để giải quyết sớm cho người dân, Sở TN-MT đã chủ động phần việc nào có thể xử lý được sẽ làm trước, đồng thời gửi giấy báo đến tận nhà người dân mời lên cơ quan thẩm quyền làm việc.
Ông Thắng đề nghị người dân chuẩn bị bộ hồ sơ gồm: đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; giấy tờ liên quan chứng minh diễn biến, quá trình xây dựng và sử dụng căn nhà; bản vẽ tổng thể mảnh đất và thiết kế căn nhà. Hồ sơ nộp tại UBND xã, phường hoặc văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện.
“Khi tiếp nhận hồ sơ, UBND xã, phường sẽ xác nhận lý lịch mảnh đất đó có được chuyển nhượng hoặc có tranh chấp với ai không. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất; kiểm tra nghĩa vụ tài chính” - ông Thắng nói và thông tin thêm trong tổng số 30.000 hồ sơ nhà đất được mua bán và chuyển nhượng bằng giấy tay từ trước đến nay tại TP, có 70% hồ sơ (khoảng 21.000 trường hợp) nằm trong khung thời gian quy định cấp được sổ đỏ.
Đối với những trường hợp nhà đất lấn chiếm muốn được cấp sổ đỏ, theo ông Thắng, người dân phải đóng phạt và khắc phục hậu quả vi phạm rồi mới được làm. Những căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp thì phải thực hiện quyền, nghĩa vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng tiền đất và xem xét các vấn đề tranh chấp, có vướng quy hoạch hay không mới làm các bước thủ tục tiếp theo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, đánh giá lâu nay, các căn nhà có diện tích nhỏ hơn quy định không thể làm sổ đỏ. Nay Nghị định 01 cho phép cấp sổ đỏ luôn không giới hạn diện tích bao nhiêu.
Không thể “qua mặt”
Trả lời câu hỏi làm sao ngăn chặn được tình trạng người dân tự ý điều chỉnh việc mua bán nhà đất bằng giấy tay cho trúng khung thời gian được phép cấp sổ đỏ, ông Nguyễn Toàn Thắng nói: “Không thể căn cứ vào thời gian ghi trên tờ giấy viết tay của người dân để xét duyệt hồ sơ. Cơ quan chức năng có rất nhiều kênh thông tin để tham khảo, kiểm tra. Ví dụ, khi dân nộp hồ sơ, chúng tôi sẽ hỏi cán bộ phụ trách địa bàn, kiểm tra kê khai thống kê hằng năm của Sở TN-MT, hệ thống bản đồ… nên người dân không thể “qua mặt” và hiện cơ quan nhà nước đã có danh sách những trường hợp được cấp phép. Chỉ cần nộp hồ sơ vào, cán bộ xử lý tra cứu là thấy cấp được hay không ngay”.
Bình luận (0)