Ngày 22-12, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Quốc hội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển” với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo và ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển.
Hơn 4.700 vụ tai nạn tàu cá
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản Bộ NN-PTNT, chỉ trong 5 năm (2007-2012), cả nước đã xảy ra hơn 4.700 vụ tai nạn tàu cá, làm chết 427 người, mất tích 213 người và gần 1.400 người bị thương; hơn 60% số vụ tai nạn là do tàu hỏng máy.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết nguyên nhân tai nạn nhiều là do đội tàu cá nước ta lạc hậu. Hiện có hơn 95% tàu cá làm bằng gỗ và hơn 80% máy tàu kém chất lượng. Trong khi đó, các chính sách mua và đóng mới tàu cá, hỗ trợ thay máy tàu lại không được ngư dân quan tâm. “Ngư dân không mặn mà với chính sách này là do mức hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu của họ, điều kiện hỗ trợ còn phức tạp” - ông Oai giải thích.
Việc đóng mới thử nghiệm 22 tàu sắt để hiện đại hóa tàu cá ở Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn, sau hơn một năm vẫn chưa đâu vào đâu. Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nguyên nhân là do chưa có cơ chế hợp lý trong việc vay vốn để đóng mới tàu sắt. “Ngân hàng cho vay vẫn theo cơ chế thương mại thông thường, buộc phải thế chấp vì chưa có cơ chế đặc thù xử lý rủi ro. Trong khi đó, theo quy định, ngư dân phải góp vốn 20% giá trị tàu, khoảng 2 tỉ đồng. Nhiều ngư dân lại cho rằng lấy 2 tỉ đồng để đóng tàu gỗ sướng hơn” - ông Tám nói.
Tự cứu nhau là chính
Ông Nguyễn Ngọc Oai thừa nhận: “Hiện nay, ngành thủy sản phải quản lý trên 117.300 tàu khai thác hải sản, trong khi chưa có đủ lực lượng cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi tai nạn bất ngờ xảy ra trên biển”.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - ngư dân huyện đảo này luôn xác định việc tự cứu nhau khi gặp nạn trên biển là chính. Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá là hết sức cần thiết để gắn kết ngư dân, giúp đỡ nhau khi khai thác và trong hoạn nạn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá ít, giá như 28 tỉnh, thành ven biển đều có nghiệp đoàn. “Chúng tôi vẫn luôn bảo nhau mỗi chiếc tàu Việt Nam hoạt động trên biển là một cột mốc chủ quyền nhưng nói thật, chúng tôi gặp rất nhiều nguy hiểm” - ông Chinh tâm tư.
“Mới đây, Bộ Chính trị đánh giá đại bộ phận ngư dân vẫn còn nghèo, còn rất khó khăn. Cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi cho ngư dân bám biển vẫn chưa được ưu tiên đúng mức. Trong phương hướng tới đây, phải bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách bảo vệ, hỗ trợ cho ngư dân đầu tư khai thác hải sản trên các vùng biển xa, vùng biển trọng yếu” - ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định.
Cần có trung tâm hải sản quốc gia
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng phải nhanh chóng xây dựng một trung tâm hải sản quốc gia tại miền Trung. “Trung tâm này sẽ giải quyết đồng bộ từ xây dựng cảng, nơi neo đậu và dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng các nhà máy chế biến hải sản, xây dựng trung tâm thương mại để giới thiệu và bán sản phẩm. Trung tâm còn tập trung các tổ chức tín dụng để giúp ngư dân có vốn vươn khơi. Đó là cách bảo vệ ngư dân từ xa” - TS Trần Du Lịch đề xuất. Ông Vũ Văn Tám cho rằng đây cũng là mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đang theo đuổi trong giai đoạn 2020-2030. Theo đó, cả nước sẽ có 5 trung tâm như thế. Trong đó, miền Trung có 2 trung tâm đặt ở Đà Nẵng và Khánh Hòa.
Bình luận (0)