Ngày 30-10, Quốc hội (QH) bước vào phiên thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội. Ngoài những mặt được như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát..., đại đa số ý kiến đại biểu (ĐB) lo lắng sâu sắc đến nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho và đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời, không để dây dưa.
Như “vòng kim cô”
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời về nợ xấu ngân hàng
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã dành 10 phút để giải trình về mối lo nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ông cho biết tính đến tuần vừa qua, tỉ lệ nợ xấu vẫn dao động 8% - 10% tổng dư nợ tín dụng. Còn từ quý I/2012 đến nay, các ngân hàng đã xử lý được 36.000 tỉ đồng nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro hơn 70.000 tỉ đồng. Để phá “khối u” này, ông Bình cho biết đề án lập công ty quốc gia về mua bán nợ xấu mà NHNN đang hoàn tất có mục tiêu xử lý 60.000 - 100.000 tỉ đồng nữa. Hiện NHNN đang ở giai đoạn xin ý kiến Bộ Chính trị. “Với tư cách là thống đốc, tôi không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, theo đề án, đến năm 2015 sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về mức thông thường, tức là khoảng 3%” - ông Bình nói.
Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, theo thống đốc, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành do một phó thủ tướng làm trưởng ban. NHNN thực hiện thanh tra tại chỗ đối với 26 tổ chức tín dụng trong năm 2012 nhưng cũng đồng thời mời các hãng kiểm toán độc lập để đánh giá “sức khỏe” ngân hàng cho khách quan. “Kết quả ban đầu cho thấy những tổ chức tín dụng yếu kém, cần tái cơ cấu là đúng” - ông Bình nói.
Xăng dầu: Bất lực hay do tiêu cực?
“Hiếm lĩnh vực nào có nhiều người dân bức xúc, bất bình như xăng dầu. Với giá tăng nhanh, giảm chậm, xăng dỏm tràn lan, nhập lậu, độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh, tạo điều kiện cho DN trục lợi trên người tiêu dùng..., trong khi nhiều năm nay Chính phủ vẫn kiên trì điều chỉnh bằng một văn bản dưới luật (Nghị định 84 - PV)” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, bà Lê Thị Nga, thẳng thắn.
Tiếp tục “mổ xẻ”, ĐB Nga đề nghị QH nên có luật hoặc pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các bên, đặc biệt ràng buộc trách nhiệm của QH trong việc giám sát để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. ĐB Nga cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ sự bất lực của cơ quan chức năng là do năng lực hay do tiêu cực cố tình làm ngơ cho vi phạm?
Được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích: “Hội đồng Cạnh tranh do Thủ tướng bổ nhiệm, có các bộ ngành đại diện, làm việc theo nguyên tắc liên bộ chứ không phải chỉ Bộ Công Thương. Khi xuất hiện tình huống cần xử lý thì Hội đồng Cạnh tranh sẽ xem xét để giải quyết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận: “Chúng tôi nhận thức rằng nếu để Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương thì sẽ vừa quản lý vừa kiểm soát nên đang đề xuất tách khỏi bộ và trực thuộc Hội đồng Cạnh tranh”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận việc tạm nhập tái xuất xăng dầu là hoạt động thương mại bình thường nhưng vừa qua có một số trường hợp lợi dụng việc này để buôn lậu, trục lợi. Do vậy, trước mắt đã ban hành quy định chỉ cho tạm nhập tái xuất với hoạt động đối ngoại và tàu thuyền, máy bay của nước ngoài.
Nợ ở Vinashin bằng 214.000 phòng học Sử dụng hàng loạt ngôn từ có tính biểu đạt hình ảnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến nói thẳng: “Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, là hai kẻ đồng hành, đồng lõa gây nên những thất thoát lớn nguồn lực mà mỗi người dân dành dụm từng ngày”. Dẫn chứng, ĐB Tiến liệt kê ra sự lãng phí khổng lồ từ sử dụng ngân sách, đất đai, nghiên cứu khoa học, tài nguyên khoáng sản…; chỉ riêng vụ Vinashin đã làm thất thoát khoảng 107.000 tỉ đồng (trên 40.000 tỉ đồng nợ nước ngoài và hơn 60.000 tỉ nợ trong nước). “Số nợ đọng của Vinashin có thể xây thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa, 53.000 trạm xá xã trên cả nước” - ông Tiến bức xúc. |
Bình luận (0)