Ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), ngày 9-4 cho biết tổng công suất đặt của các nhà máy trong hệ thống điện quốc gia khoảng trên 42.000 MW, trong khi dự kiến phụ tải lớn nhất năm 2017 ở mức 32.340 MW. Như vậy, hệ thống điện quốc gia có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và có dự phòng trong mùa khô hạn năm nay.
Sẵn sàng ứng phó
Tuy có dự phòng nhưng vấn đề đáng quan tâm với hệ thống điện quốc gia là dự phòng không đều. Ngay trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức đầu tháng 1-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến một điểm yếu của ngành điện là mặc dù có dự phòng nhưng nguồn điện không đồng đều, quá thấp, nhất là khu vực miền Nam. Do đó, nguy cơ thiếu điện trung, dài hạn đang hiện hữu. Bởi vậy, EVN cần có giải pháp tháo gỡ để đáp ứng các yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Trong những năm qua, miền Nam luôn phải nhận điện từ 2 miền còn lại. Đáng lo là hiện nay, đường dây 500 KV đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải lớn lượng công suất từ miền Bắc vào miền Nam song khả năng truyền tải cũng ở mức giới hạn an toàn của hệ thống.
“Để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho miền Trung và miền Nam trong năm 2017 cũng như bảo đảm các đường dây truyền tải 500 KV vận hành an toàn, EVN và A0 sẽ huy động tiết kiệm nhất các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và miền Nam. Chỉ vận hành đáp ứng theo nhu cầu nước hạ du ở các địa phương nhằm kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy thủy điện ở những khu vực này, qua đó có đủ công suất và điện năng để đáp ứng các tháng cao điểm mùa khô. Đồng thời, tận dụng khả năng tải đường dây 500 KV trong mọi thời điểm, đặc biệt là cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Vũng Áng - Đà Nẵng để truyền tải điện năng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam” - ông Vũ Xuân Khu nêu phương án ứng phó.
Theo lãnh đạo A0, các nhà máy thuộc EVN được chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, khí, dầu để vận hành khi nhu cầu phụ tải tăng cao. Các công ty truyền tải điện thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời những bất thường, khiếm khuyết lưới điện truyền tải, nhất là các đoạn đường dây 500 KV truyền tải công suất từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Khai thác cao nhiệt điện
Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), cho rằng trong năm 2017 vẫn tiếp tục xuất hiện tình trạng điện áp cao trên lưới. Thậm chí, một số thời điểm phải tách đường dây 500 KV và 220 KV để tránh quá tải điện áp. Tình trạng này tạo áp lực lớn lên các phương thức vận hành hệ thống điện trong mùa khô năm nay, bắt đầu từ tháng 4-2017, bởi sẽ khai thác cao nguồn nhiệt điện.
Trong báo cáo tình hình hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất - kinh doanh tháng 2-2017, EVN cho biết mục tiêu vận hành hệ thống điện trong mùa khô năm nay là “khai thác hợp lý thủy điện, bảo đảm yêu cầu cấp nước hạ du và cung cấp điện cho mùa khô; các tổ máy nhiệt điện than và tua-bin khí khai thác cao”. Kèm theo đó là triển khai đồng bộ các biện pháp như bảo đảm tiến độ đốt than lần đầu tổ máy 1 Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, phát điện tổ máy 2 Thủy điện Trung Sơn, hạ roto tổ máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng và chạy tin cậy để nghiệm thu tổ máy 2 Nhiệt điện Duyên Hải 3, hoàn thành FS dự án đường dây 500 KV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2.
Đặc biệt, với việc bàn giao và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 từ ngày 29-3 vừa qua, hệ thống điện phía Nam sẽ được bổ sung 622,5 MW cho mùa khô năm 2017 với sản lượng trung bình 13 triệu KWh/ngày. Các nhà thầu cũng đang nỗ lực hoàn thiện những hạng mục còn lại để bàn giao và đưa vào vận hành thương mại vào giữa tháng 4-2017.
Ông Nguyễn Hữu Phiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, cho biết tổ máy số 1 Nhiệt điện Duyên Hải 3 được đưa vào vận hành thương mại đúng thời điểm khi nhu cầu điện miền Nam đang thực sự cấp bách. Do vậy, tổ máy sẽ được huy động tối đa ở mức 13 triệu KWh/ngày. Dự kiến, từ nay đến hết mùa khô, sản lượng điện huy động của riêng tổ máy 1 là khoảng 1,3 tỉ KWh.
Giảm mua điện Trung Quốc
Báo cáo của EVN cho biết trong năm 2016, Việt Nam đã mua tổng cộng 2,8 tỉ KWh. Trong đó, hơn một nửa là mua của Trung Quốc (gần 1,5 tỉ KWh) với giá trung bình 5,87 cent/KWh (khoảng 1.294 đồng/số điện).
Theo tính toán, tỉ lệ mua điện của Trung Quốc trong tổng sản lượng điện của EVN chỉ chiếm rất nhỏ, chưa đến 1%. So với các năm trước, lượng điện mua của Trung Quốc từ năm 2010 đến nay đã giảm đáng kể, từ 5,4 tỉ KWh năm 2010 còn gần 1,5 tỉ KWh hiện nay. Đáng lưu ý, năm 2016, Việt Nam mua 1,3 tỉ KWh điện từ Lào với giá 4,811 cent/KWh.
Ở chiều bán điện, EVN đã bán 1,2 tỉ KWh năm 2016 cho khách hàng - chủ yếu là Campuchia và một lượng nhỏ cho Lào - với giá khá cao, từ 1.815-2.178 đồng/KWh.
Bình luận (0)