xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không đổi mới sẽ tụt lại phía sau

Thế Dũng - Phạm Dương

Ngày 22-1, tại phiên thảo luận về văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng Việt Nam hiện vẫn là nước nghèo và yêu cầu đổi mới đất nước là “cấp bách hơn bao giờ hết”

Ông Bùi Quang Vinh cho rằng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Đại hội XII) đánh dấu 85 năm ngày thành lập Đảng, hơn 40 năm đất nước hòa bình, thống nhất, tròn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo của thế giới thành một nước có thu nhập trung bình. Từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 4 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 95% xuống còn dưới 5%. Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận.

Phải kiên quyết đổi mới

Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Vinh, số liệu thống kê năm 2014 cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/5 mức trung bình của thế giới (khoảng 2.052 USD so với gần 12.000 USD). Trong 40 năm qua, Hàn Quốc, Nhật Bản chuyển mình từ nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển. “Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không sẽ tụt lại phía sau” - Bộ trưởng Vinh trăn trở.

 

Các đại biểu dự đại hội Ảnh: Tấn Thông
Các đại biểu dự đại hội Ảnh: Tấn Thông

 

Cách đây 5 năm, Đại hội XI thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nêu rõ: “Phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới; đổi mới chính trị phải đồng bộ đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong đảng và trong xã hội”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh thẳng thắn đánh giá công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) còn chỉ rõ hệ thống chính trị thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển. Vì vậy, giai đoạn tới, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. “Phải kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo” - Bộ trưởng Vinh bày tỏ quan điểm.

Tăng trưởng kinh tế phải bền vững

Về trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế giai đoạn tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần dựa trên 3 trụ cột chính. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế phải bền vững. Cụ thể, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm, tương đương mức tăng trưởng GDP 8%/năm. Để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD thì con đường duy nhất là tăng năng suất lao động. Cùng với đó phải thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp (DN) trong nước, chủ yếu là DN tư nhân. Đồng thời phải tạo ra làn sóng khởi nghiệp mà nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi, xem vị thế DN là vị thế quốc gia.

Thứ hai, tạo công bằng xã hội, bình đẳng cho mọi người. Thứ ba, phải nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. “Năng suất lao động trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém trong phát triển khu vực tư nhân là do trách nhiệm nhà nước thiếu hiệu quả; thiết chế công bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún, thiếu giám sát của người dân” - ông Vinh dẫn chứng.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT còn đề xuất chính phủ phải nỗ lực xử lý các vấn đề, tạo ra một cấu trúc nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn, bảo đảm chế độ chấp nghiệp thực tài. “Nguyên tắc thị trường phải được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế, phân định rõ công và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản, đặc biệt về đất đai, thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế” - ông Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo “tư lệnh” ngành KH-ĐT, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua cơ chế hữu hiệu, kiểm soát và cân bằng giữa 3 nhánh quyền lực tạo dựng khuôn khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tăng cường vai trò của thông tin đại chúng. Mặt khác, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam cần tạo điều kiện cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước; quy trình bầu cử, cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội phải thực sự bảo đảm, là đại diện đích thực của người dân.

 

Cần cơ chế tạo động lực cho TP HCM

Trình bày tham luận với chủ đề “Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh - từ thực tiễn TP HCM”, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM nỗ lực “đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực”.

 

Ông Nguyễn Thành Phong trình bày tham luận tại đại hội Ảnh: Tấn Thông
Ông Nguyễn Thành Phong trình bày tham luận tại đại hội Ảnh: Tấn Thông

 

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ thực tiễn, TP HCM kiến nghị 5 giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung cốt lõi nhất để thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng. TP HCM cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một địa bàn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, trong thiết kế cơ chế, chính sách rất cần chú trọng vào hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền; tạo không gian chủ động cho các địa phương.

Thứ hai, chú trọng đặc thù ở những đô thị, phát huy vai trò động lực của các đô thị để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Thứ ba, nâng cao năng suất lao động, tích tụ và lan tỏa tri thức là tác nhân quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Thứ tư, sử dụng hội nhập quốc tế như động lực để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Hội nhập không phải là mục tiêu mà là phương tiện để phục vụ đổi mới toàn diện, phát triển đất nước. Chủ động tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao (đặc biệt là 8 ngành có sự chuyển dịch lao động tự do trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN-AEC). Thứ năm, nâng cao chất lượng tăng trưởng phải nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Ph.Dương - T.Dũng

 

Cần tư duy “xé rào”

Bên lề Đại hội XII, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ủng hộ quan điểm “cởi trói” để địa phương năng động, chấp nhận có những vấn đề phải “xé rào”. Tuy nhiên, sự chấp nhận này phải được đánh giá một cách khách quan, công minh thì các địa phương mới có thể mạnh dạn được. Theo ông Nam, đổi mới năm 1986 cũng bắt nguồn từ việc “xé rào” của một số địa phương và đến Đại hội XII, nhiều người đặt vấn đề về “đổi mới lần 2”. “Các thế hệ lãnh đạo Bình Dương đã có nhiều tư duy “xé rào” nên đã tạo ra Bình Dương như ngày hôm nay. Trung ương cũng nhìn nhận “xé rào” của Bình Dương là hợp lý, không mang yếu tố cá nhân, riêng tư. Như thế để thấy rằng khi mình chưa có cơ chế, chính sách “bật đèn xanh” thì nói thật, “xé rào” là việc rất mạo hiểm.

Đề nghị xây dựng Lý Sơn thành cứ điểm quân sự

Trình bày tham luận “Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia”, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng Lý Sơn trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Ông Chữ cũng kiến nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Theo ông Chữ, từ tháng 5-2014 đến năm 2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản. Dù vậy, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo