Ngày 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; về công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.
Tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu (ĐB) QH nêu nhận định tham nhũng đã vượt quá ngưỡng phòng, chống mà cần phải tiêu diệt, không dung tha.
Tham nhũng thách thức sự kiên nhẫn
Đi thẳng vào quốc nạn tham nhũng, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nhấn mạnh: “Ngoài lo lắng, hoài nghi và bức xúc, cử tri còn nhận định: Trước đây, Chính phủ và Nhà nước quản lý, điều hành các tổng công ty, tập đoàn. Hiện nay thì ngược lại”.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng: “Cử tri mong muốn phải diệt tham nhũng, không phòng chống gì nữa”.
Dẫn sự “nửa vời” trong phòng chống tham nhũng, ĐB Trần Đình Nhã cho rằng cả năm 2012, tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ với 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm đến 34,2% đã cho thấy tội phạm tham nhũng chỉ xét xử được ngần ấy, lại lãnh án nhẹ.
“Tham nhũng đang buộc cả nước phải tuyên chiến. Muốn thắng được tham nhũng phải thay đổi cách đánh và cả người đánh, phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia” - ĐB Trần Đình Nhã hiến kế.
Cần cơ quan chống tham nhũng độc lập
Để trị tham nhũng hiệu quả, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị cần một lực lượng điều tra chuyên trách chống tham nhũng. Cơ quan này độc lập cả với công an như thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng. ĐB Trần Đình Nhã cho rằng đây là thời điểm chín muồi để QH quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng. Ông Nhã kiến nghị: “Không áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ, không tha tù trước thời hạn cho đối tượng phạm tội tham nhũng”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga kiến nghị xem xét lại quy định về điều kiện để được hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Không thể coi những người phạm tội tham nhũng như những người phạm tội về trật tự trị an khác.
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị: “Trong kỳ họp này, QH nên gửi thông điệp đến cử tri và nhân dân cả nước là 498 ĐBQH cùng tuyên bố trước quốc dân đồng bào về quyết tâm cao đẩy lùi tệ tham nhũng, cam kết không phạm vào tham nhũng”. ĐB Dung cũng đưa ra lời kêu gọi: “Những ai đã lỡ tham nhũng thì hãy tự nhận, xin được tha lỗi”.
Giải trình tại phiên thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định tỉ lệ án tham nhũng được “xử treo” đã giảm nhiều trong những năm qua. Ông Bình cho biết án treo dành cho người có nhân thân tốt, lãnh án tù dưới 3 năm, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. “Với tội phạm tham nhũng, không thể không cho hưởng án treo. Vì vậy, chỉ có thể sửa luật để có hình phạt nghiêm khắc hơn với người phạm tội tham nhũng” - ông Bình giải thích.
Sản xuất thuốc “tử hình” trong nước Các ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Đặng Công Lý (Bình Định), Phạm Xuân Hà (Nghệ An), Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ… cùng bày tỏ quan ngại trước việc thiếu thuốc độc để thi hành án tử hình và đây là lỗi của Nhà nước. ĐB Huỳnh Nghĩa dẫn số liệu thống kê của ngành kiểm sát cho biết cả nước hiện còn 508 tử tù nhưng chưa thể thi hành án. Trong số đó, đã có 3 người chết do bệnh tật, 3 người tự sát. Thậm chí, có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý chờ đợi quá căng thẳng. Về việc này, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc nhập thuốc độc hiện rất khó vì các nước châu Âu, nơi sản xuất chủ yếu “sản phẩm” này, luôn chống lại việc nước khác nhập thuốc độc để thi hành án tử hình. “Bộ Y tế đang cùng Bộ Công an khẩn trương tổ chức sản xuất thuốc độc trong nước để thi hành án tử hình” - bà Tiến cho biết. |
45% doanh nghiệp đưa hối lộ “Có đến 45% doanh nghiệp ở Việt Nam phải đưa hối lộ để thực hiện giao dịch với các cơ quan công quyền”. Đây là con số được bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB), đưa ra tại hội thảo Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 11 với chủ đề “Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương - thực trạng và giải pháp” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Phát triển Anh Quốc (UKAID) tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 1-11. So với các nước khác như Indonesia (13%), Philippines (18%), Nga (29%), Thổ Nhĩ Kỳ (11%) thì mức độ đưa, nhận hối lộ tại Việt Nam là quá cao. Nhiều đại biểu cho rằng những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như QLTT, BHXH, PCCC, thuế…, việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện nay còn nhiều hạn chế.
C.Linh |
Bình luận (0)